.

Thái Lan vẫn bất ổn

.

Cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2-2 không khôi phục được sự ổn định chính trị ở Thái Lan. Trái lại, chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn đối mặt với cáo buộc tham nhũng từ chương trình trợ giá gạo.

Biểu tình vẫn diễn ra ở Bangkok.  					          Ảnh: AP
Biểu tình vẫn diễn ra ở Bangkok. Ảnh: AP

Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban - lãnh đạo phe biểu tình - và những người ủng hộ ông ngày 5-2 cho rằng, có tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo. Cáo buộc này càng gây áp lực đối với chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau khi cuộc tổng tuyển cử không thành công như mong muốn của bà.

Reuters cho biết, chương trình trợ giá gạo là một trong những chính sách nổi tiếng do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh của bà Yingluck, tiên phong thực hiện. Cam kết trợ giá cao cho nông dân cũng được bà Yingluck đưa ra trong các chiến dịch tranh cử và điều này giúp bà giành thắng lợi lớn vào năm 2011. Tuy nhiên, cũng chính chương trình này lại gây thiệt hại khoảng 200 tỷ baht/năm (6 tỷ USD) và châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống Thủ tướng Yingluck, đồng thời làm vơi đi sự ủng hộ đối với bà tại khu vực phía bắc và đông bắc - nơi được cho là “thành trì” của gia đình Shinawatra.  

Trong cuộc tuần hành ở Bangkok, ông Suthep chỉ trích Thủ tướng Yingluck mua gạo của nông dân cách đây hơn 7 tháng nhưng chưa trả tiền cho họ. “Chính phủ nói rằng, chính sách trợ giá gạo giúp nông dân nhưng lại trở thành một phần trong cổ máy tham nhũng của chính phủ”, ông Suthep tuyên bố. Nhân vật trung tâm của phe biểu tình còn cho biết, nhiều nông dân tự sát và một số người than khóc bởi họ không có đồng nào. Ông Suthep cho hay, nông dân chỉ nhận được hơn 10.000 baht (310 USD) trong khi giá mà họ được bảo đảm là 15.000 baht và số tiền chênh lệch rơi vào túi của các nhà chức trách.

Theo Reuters, Thủ tướng Yingluck và chính phủ đang bị một ủy ban chống tham nhũng điều tra xung quanh chương trình trợ giá gạo.

Cáo buộc nói trên vẫn được cựu Phó Thủ tướng Suthep đưa ra mặc dù Tòa án hình sự ngày 5-2 ra lệnh bắt 19 lãnh đạo phe biểu tình, trong đó có ông này, vì vi phạm sắc lệnh khẩn cấp. Bộ trưởng Lao động Chalerm Yoobamrung, đứng đầu Trung tâm gìn giữ trật tự và hòa bình, phụ trách tình trạng khẩn cấp vốn được chính phủ ban bố trước đó, nhiều lần dọa bắt các lãnh đạo phe biểu tình nhưng vẫn chưa thực hiện. Ông Suthep còn đối mặt với các cáo buộc giết người liên quan đến vụ bạo lực năm 2010, thời điểm ông làm Phó Thủ tướng và ra lệnh quân đội trấn áp những người biểu tình áo đỏ. Tân Hoa xã cho hay, các nhà chức trách thúc giục ông Suthep đầu hàng thay vì bị bắt.

Cũng trong ngày 5-2, đảng cầm quyền Puea Thai đệ đơn kiến nghị, yêu cầu Ủy ban Bầu cử giải tán đảng Dân chủ đối lập và cấm các thành viên đảng này tham gia chính trị trong 5 năm. Puea Thai dẫn lý do là ông Suthep và 8 lãnh đạo khác của phe biểu tình có quan hệ với đảng Dân chủ đã vi phạm hiến pháp, cụ thể là việc tẩy chay cuộc tổng tuyển cử. Trái lại, trước đó, đảng Dân chủ nộp đơn lên Tòa án Hiến pháp đòi hủy kết quả bầu cử và giải tán đảng Puea Thai vì cho rằng, cuộc bầu cử ngày 2-2 vi phạm hiến pháp.

Giới phân tích nhận định: những người biểu tình đã thành công trong việc phá hoại cuộc bầu cử. Việc bỏ phiếu không thành công đồng nghĩa với việc bà Yingluck tiếp tục dẫn đầu một chính phủ lâm thời, không có quyền quyết định các chính sách cho đến khi các chỗ trống trong Quốc hội được lấp đầy.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan ngày 5-2 cảnh báo tăng trưởng của nước này sẽ suy giảm nếu cuộc khủng hoảng chính trị tiếp tục kéo dài. Trong đó, ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thậm chí, trong cuộc họp ngày 22-1 vừa qua, Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế của đất nước này trong năm nay từ 4% xuống chỉ còn 3%.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.