Tỷ lệ cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu trong ngày tổng tuyển cử 2-2 vừa qua tương đối thấp khi hàng triệu người không thể tham gia bởi sự cản trở của người biểu tình chống Chính phủ.
Diễn ra trong bối cảnh biểu tình bạo lực và bất ổn với một kết quả đã được dự báo trước rằng đảng Vì nước Thái của bà Yingluck sẽ chiến thắng, cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Thái Lan dường như là “màn dạo đầu” cho một cuộc đua chính trị hơn là một giải pháp chấm dứt xung đột.
Cử tri Thái Lan bày tỏ sự tức giận khi không thể tham gia bỏ phiếu do bị những người biểu tình chống Chính phủ cản trở (Ảnh: Getty Images) |
Tân Hoa xã dẫn một thống kê không chính thức cho biết tỷ lệ cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vừa qua chỉ đạt 45,8% trong tổng số 44,6 triệu cử tri hợp lệ.
Tổng thư ký Ủy ban bầu cử Thái Lan Puchong Nutrawong cho biết, tỷ lệ này chưa bao gồm cử tri tại 9 tỉnh phải hủy bỏ bầu cử, nghĩa là khoảng 12 triệu cử tri hợp lệ đã không được thực hiện quyền công dân của mình. Chính phủ Thái Lan đang hối thúc Ủy ban bầu cử Thái Lan tổ chức bỏ phiếu lại trong vòng 7 ngày tới.
Trong khi đó, đảng Dân chủ đối lập tuyên bố sẽ đưa đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan yêu cầu không công nhận kết quả cuộc bầu cử, đồng thời hối thúc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra bãi bỏ Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vì cho rằng, Sắc lệnh này gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch và kinh tế đất nước.
Theo đảng Dân chủ đối lập, bầu cử đã được tổ chức xong và nó đã chứng minh rằng các cuộc biểu tình phản đối không tạo nên bạo lực, do vậy, Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp là không cần thiết.
Trong trường hợp kết quả bầu cử bị tuyên bố vô hiệu, Thái Lan sẽ phải tổ chức bầu cử lại cho tới mọi chuyện được ngã ngũ. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích chính trị độc lập Verapat Pariyawong, quyết định bãi bỏ kết quả tổng tuyển cử lần này chỉ khiến Thái Lan sa lầy sâu hơn.
Ông Pariyawong nói: “Nếu tòa án bãi bỏ kết quả tổng tuyển cử thì cũng chỉ như giọt nước tràn ly bởi thực tế đã có những kẻ sẵn sàng nổ súng chỉ để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu này. Nếu tòa án bãi bỏ toàn bộ cuộc tổng tuyển cử này thì tình hình sẽ trở nên hỗn loạn và có thể đổ máu”.
Bất chấp những nguy cơ này, thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động chống đối như chiếm các trụ sở cơ quan chính phủ nhằm buộc chính quyền của Thủ tướng tạm quyền Yingluck phải từ chức và thực hiện cải cách quốc gia.
Đến hôm qua (3/2), hàng trăm người biểu tình vẫn tiếp tục bao vây Văn phòng Ủy ban thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan, nơi bà Yingluck và các thành viên nội các làm việc tạm thời kể từ khi phong trào chiếm giữ trụ sở công quyền của phe đối lập được khởi xướng.
Cùng ngày, một nhóm người biểu tình khác đã tuần hành khắp thủ đô Bangkok nhằm gây quỹ và kêu gọi ủng hộ cho chiến dịch lật đổ chính phủ đã kéo dài ba tháng qua tại Thái Lan. Nhà quan sát chính trị độc lập Kriengsak Chareonwongsak bày tỏ lo ngại trước tình hình này, đồng thời dự báo về một sự can thiệp của quân đội Thái Lan trong thời gian tới.
Ông Chareonwongsak nói: “Khoảng thời gian Chính phủ tạm quyền vận hành là một giai đoạn nguy hiểm. Trong những tháng tới, tình hình sẽ còn bất ổn bởi bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Quân đội đang đứng trước áp lực phải hành động và có thể ban đầu họ còn lưỡng lự song cuối cùng họ cũng sẽ phải can thiệp theo một cách nào đó”.
Các nhà phân tích cũng nhận định, dù quân đội Thái Lan có quyết định can thiệp hay không thì trong cuộc đua này không bên nào có thể giành chiến thắng nếu không biết thỏa hiệp và nhượng bộ. Bởi giải pháp thật sự có lợi cho đất nước Thái Lan để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay có thể không mang lợi ích cho bất cứ bên nào mà cốt lõi phải là sự hòa bình và ổn định cho người dân.
VOV