.

Crimea mời quan sát viên OSCE giám sát trưng cầu dân ý

.

ĐNĐT - Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea đã chính thức gửi lời mời tới Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) để đưa một phái bộ sang quan sát cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga ngày 16-3 tới.

Quốc kỳ Nga luôn phấp phởi ở Sevastopol (Nguồn: AFP)
Quốc kỳ Nga luôn phấp phởi ở Sevastopol - Crimea (Nguồn: AFP)

Hội đồng Tối cao Crimea đã chuyển giao thư mời tới Thụy Sĩ, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của OSCE. Chính quyền Crimea đã mời các quan sát viên từ mỗi nước thành viên OSCE và Văn phòng các học viện Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR) tới Crimea.

Thủ tướng Crimea, Sergey Aksyonov cho biết: “Tôi tin tưởng rằng, Quốc hội Crimea sẽ tạo điều kiện cho họ có mặt tại các điểm bỏ phiếu. Quá trình này đang được thực hiện và chính bản thân cuộc trưng cầu dân ý sẽ minh bạch hết mức”.

Vào thứ Bảy tới (16-3),  các công dân Crimea, mà khoảng 60% là người Nga, sẽ đi bỏ phiếu để quyết định trở thành “một phần của nước Nga”.

Họ cũng sẽ quyết định liệu hiến pháp của Crimea năm 1992 mà theo đó, cộng hòa tự trị này là một phần của Ukraine nhưng các quan hệ với Kiev được xác định trên cơ sở thỏa thuận song phương, có nên được khôi phục hay không.

Hiện chính quyền Crimea đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý này. Theo đó, Crimea sẽ bố trí tới 2 triệu USD cho việc in phiếu và hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Khoảng 1.500 binh sĩ Crimea sẽ bảo vệ các khu vực bỏ phiếu trong ngày trưng cầu dân ý, Thủ tướng Aksyonov cho biết.

Hiện Mỹ cho biết, họ sẽ không công nhận kết quả của bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào về tương lai của Crimea, bởi Washington tiếp tục xem Crimea là một phần của Ukraine, Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Geoffrey Pyatt khẳng định.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama cho biết, cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea sẽ “vi phạm hiến pháp và luật pháp Ukraine”.

Cùng với Mỹ, Anh và Đức cũng khẳng định rằng, “bất kỳ sự cố gắng nào của Nga nhằm hợp pháp kết quả trưng cầu dân ý sẽ dẫn tới nhiều hậu quả”.

Trong khi đó, nói chuyện với với Thủ tướng Anh, Davida Cameron và Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel qua điện thoại, Tổng thống Nga, Vladimir Putin bày tỏ sự tin tưởng rằng, cuộc trưng cầu dân ý này sẽ phản ánh quyền lợi hợp pháp của nhân dân Crimea.

Trong một diễn biến khác, Mỹ cho biết, sẽ đưa 12 máy bay chiến đấu F-16 cùng 300 nhân viên tới Ba Lan để tập trận đối phó với khủng hoảng vào ngày thứ Năm tới (13-3), Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết.

Mỹ cũng sẽ đưa 5 máy bay F-16 tới Lithuania “để đối phó với việc Nga đưa quân vào Ukraine và các hoạt động quân sự đang gia tăng tại Kaliningrad”, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết.

Quang Hiển (Theo RT)

;
.
.
.
.
.