.

Malaysia đối mặt với cơn bão dư luận

.

Malaysia ngày 12-3 tiếp tục đối mặt với cơn bão chỉ trích của dư luận xung quanh việc chậm cung cấp thông tin tìm kiếm máy bay chở 239 người hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh mất tích từ cuối tuần trước.

Nhiều thông điệp được viết tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur bày tỏ hy vọng sự trở về của các hành khách trên chuyến bay MH370. 				           Ảnh: Getty Images
Nhiều thông điệp được viết tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur bày tỏ hy vọng sự trở về của các hành khách trên chuyến bay MH370. Ảnh: Getty Images

AFP cho biết, việc xác định vị trí của chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) tập trung ở khu vực Biển Đông, nơi máy bay được cho là đã liên lạc lần cuối cùng với cơ quan kiểm soát không lưu dân sự. Song, theo các nhà chức trách Malayia, việc tìm kiếm hiện được mở rộng đến Biển Andaman của Indonesia.

Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman khẳng định các nhà chức trách nước ông không bỏ qua cơ hội nào để tìm chiếc máy bay mất tích. “Chúng tôi phải xem xét mọi trường hợp”, ông Rahman nói.

Tuy nhiên, quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm của Malaysia lại vấp phải phản ứng của dư luận. Theo AP, sau hơn 4 ngày chiếc Boeing 777 mất tích, giới chức Malaysia vẫn không xác định được hướng máy bay đến và chính điều này làm phức tạp thêm nỗ lực tìm kiếm. Trước đó, thông qua radar, giới chức Malaysia tin rằng, máy bay rơi ở eo biển Malacca, cách xa hàng trăm dặm so với địa điểm mà máy bay mất tín hiệu.

Trong cuộc họp báo vào chiều 12-3, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein xác nhận quân đội nước này bắt được tín hiệu của chuyến bay MH370 ở eo biển Malacca khoảng 45 phút sau khi chiếc máy bay mất liên lạc với trung tâm lúc 1 giờ 30 ngày 8-3. Đây là lần đầu tiên chính phủ Kuala Lumpur chính thức xác nhận việc này. Ông Hussein cũng hy vọng vào sự sống sót của hành khách và cho biết, Kuala Lumpur cần sự trợ giúp của các chuyên gia để giải mã thông tin dữ liệu của phía quân đội.

Vấn đề đặt ra trong lúc này là gia đình của các nạn nhân cho rằng, giới chức Malaysia không thể giải quyết được khủng hoảng. Những người tập trung tại Bắc Kinh và Kuala Lumpur mang tâm trạng tức giận xen lẫn lo lắng khi chờ tin tức tức của người thân.

Đại sứ Malaysia tại Bắc Kinh Iskandar Sarudin, nói với thân nhân của 153 hành khách Trung Quốc có mặt trên chuyến bay MH370 rằng, đây “không phải là thời điểm” để tiết lộ thông tin mà quân đội có được về lộ trình của máy bay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng cho rằng, hiện có quá nhiều thông tin và nhầm lẫn. “Thật khó để chúng tôi xem thông tin nào chính xác”, ông Tần Cương nói với báo giới ở Bắc Kinh.

Trong khi đó, theo ông David Learmount - Tạp chí Flightglobal, có quá nhiều nguồn tin nhưng dường như không được sử dụng hiệu quả để tìm kiếm máy bay nên rốt cuộc gia đình của các nạn nhân vẫn rất mù mờ về tung tích người thân của họ. Một bài bình luận đăng trên Cổng thông tin Malaysian Insider nhận định: “Tâm trạng của người Malaysia chuyển từ kiên nhẫn sang bối rối và tức giận… Nếu quân đội Malaysia không thấy chuyến bay MH370 chuyển hướng đến eo biển Malacca thì vì sao sau đó lại tìm kiếm? Ai đã quyết định tìm kiếm ở đó và vì sao?”.

Ít khả năng máy bay gặp nạn trên vùng biển Việt Nam

Theo Trung tướng Trần Quang Khuê - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, với lực lượng máy bay, tàu huy động để mở rộng khu vực tìm kiếm đã không phát hiện bất kỳ dấu vết nào của máy bay Malaysia mất tích. “Như vậy có thể nói, ít có khả năng máy bay Malaysia gặp nạn trên vùng biển mà chúng ta đảm nhiệm”, Trung tướng Trần Quang Khuê nhận định.

Bên cạnh đó, Trung tướng Trần Quang Khuê cũng đề xuất, Việt Nam nên xây dựng lại kế hoạch tìm kiếm cho phù hợp. Cụ thể, với tàu thì nên giữ nguyên vị trí các tàu để đảm bảo tìm kiếm và phối hợp, quản lý tàu nước ngoài tham gia tìm kiếm. Về máy bay, nên xây dựng lại kế hoạch bay với tần suất bay phù hợp.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - khẳng định hiện phía Malaysia vẫn chưa có thông báo kết luận thông tin liên quan đến máy bay nên việc tìm kiếm vẫn sẽ tiếp tục được tiến hành nghiêm túc. Tuy nhiên, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cũng yêu cầu giảm bớt tần suất tìm kiếm tại các khu vực đã tìm kiếm mấy ngày qua và mở rộng vùng tìm kiếm ra hai bên của hướng bay, đồng thời tăng cường tìm kiếm trên bộ, tuyên truyền, thông báo cho người dân trên bộ cũng như ngư dân trên biển biết để báo tin cho các cơ quan chức năng nếu phát hiện vấn đề nghi ngờ có liên quan đến máy bay.

TTXVN

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.