.
MÁY BAY MALAYSIA MẤT TÍCH

Cuộc tìm kiếm khó khăn

.

Việc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) bước sang ngày thứ 6. Song, công tác tìm kiếm càng lúc càng phức tạp.

Việc pháp sư Malaysia Ibrahim Mat Zin làm phép để xác định vị trí của chiếc MH370 bị cộng đồng mạng chỉ trích.  								             Ảnh: AP
Việc pháp sư Malaysia Ibrahim Mat Zin làm phép để xác định vị trí của chiếc MH370 bị cộng đồng mạng chỉ trích. Ảnh: AP

Báo Wall Street Journal ngày 13-3 cho biết, các nhân viên điều tra Mỹ nghi ngờ chuyến bay MH370 còn bay trong khoảng 4 giờ đồng hồ sau khi mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Trong khi đó, dựa vào những số liệu tự động được tải về và gửi cho mặt đất từ các động cơ của chiếc Boeing 777, các nhà điều tra ngành hàng không và các quan chức an ninh quốc gia Mỹ tin rằng, chiếc máy bay đã bay tổng cộng khoảng 5 giờ.

Hàng loạt nghi vấn

Những thông tin trên càng làm dấy lên khả năng chiếc máy bay có thể đã bay thêm khoảng 2.200 dặm, có thể đến Pakistan, đến Ấn Độ Dương hoặc Mông Cổ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein bác bỏ nguồn tin của Wall Street Journal. “Các thông tin không chính xác”, ông Hussein nói.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra, nghi vấn nhất vẫn là điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, mất tích từ ngày 8-3 đến nay? Sự bí ẩn của chuyến bay MH370 và số phận của 239 hành khách cùng phi hành đoàn khiến các nhà chức trách Malaysia lúng túng. Việc tìm kiếm trên biển và đất liền được mở rộng khoảng 93.000km2 (tương đương diện tích đất nước Hungary), với 10 nước tham gia; nhưng đã đến ngày thứ 6, những nỗ lực này vẫn không mang lại kết quả nào, tung tích chiếc MH370 vẫn mờ mịt. Theo AP, các quan chức chống khủng bố của Mỹ đang điều tra theo hướng phi công hoặc một ai đó trên máy bay có thể đã chuyển hướng đến một địa điểm chưa xác định sau khi cố tình quay đầu máy bay để tránh bị radar phát hiện. Suy đoán của Washington vẫn thiên về hướng không phải là vụ khủng bố, nhưng cũng không loại trừ khả năng này.

Cần thông tin minh bạch

Trung Quốc hiện gây áp lực đối với Malaysia, yêu cầu nước này thúc đẩy sự hợp tác trong việc tìm kiếm chiếc MH370, bởi trong số 239 người trên chuyến bay thì có đến 154 người Trung Quốc. Phát biểu tại buổi họp báo ở Bắc Kinh ngày 13-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường yêu cầu các bên liên quan phối hợp hơn nữa; đồng thời “chỉ cần còn một tia hy vọng”, Bắc Kinh cũng sẽ không dừng cuộc tìm kiếm. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Hàng không dân sự Trung Quốc muốn phía Malaysia cung cấp thông tin minh bạch hơn.  

Thành ra, với những phản ứng được cho là “khó hiểu”, Malaysia đang chịu sức ép từ nhiều phía, trong đó có cả từ báo chí và gia đình của những hành khách. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đến nay cũng rất ít bình luận về vụ việc đầy bí ẩn này, còn giới truyền thông Malaysia thì cung cấp thông tin rất ít ỏi. Ông Ernest Bowe, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington cho nhận định: “Malaysia đáng bị chỉ trích”.

Trong một động thái được cho là tích cực, Malaysia đã nhanh chóng triển khai một máy bay tới điều tra tại khu vực các vệ tinh Trung Quốc chụp được ảnh 3 “vật thể trôi nổi”, nghi của máy bay mất tích, đang trôi trên vùng biển phía đông bắc Kuala Lumpur và phía nam Việt Nam. Song, Giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman xác nhận không tìm thấy mảnh vỡ tại địa điểm này.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Trang news.com.au của Úc viết: “Việt Nam đã rất nhanh chóng đóng góp các nguồn lực cho nỗ lực tìm kiếm và còn nhanh hơn trong việc công khai các diễn biến mới nhất. Họ đã đưa tin về mọi thứ, từ các dữ liệu radar tới các vết dầu loang và các vật thể nổi trên biển”.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.