.

Ngày lịch sử ở Crimea

.

Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 16-3 là sự kiện lớn đối với người dân Crimea bởi họ tự quyết định tương lai của bán đảo này: hoặc vẫn thuộc Ukraine với quyền tự trị được mở rộng hơn, hoặc sáp nhập vào Nga.

Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov bỏ phiếu tại Simferopol.  Ảnh: AP
Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov bỏ phiếu tại Simferopol. Ảnh: AP

Cử tri Crimea gọi ngày 16-3 là ngày lịch sử khi họ trả lời 2 câu hỏi: “Bạn có ủng hộ việc thống nhất của Crimea là một phần của Liên bang Nga hay không?”; “Bạn có ủng hộ khôi phục lại Hiến pháp năm 1992 và tình trạng của Crimea như là một phần của Ukraine hay không?”.

Trong khi đó, chính phủ mới của Ukraine và phương Tây đều xem cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp, nhưng điều này xem ra không là vấn đề gì đối với người Crimea. Tại bán đảo có 2 triệu dân, hầu hết người Nga sinh sống nên lo ngại chính phủ thay thế Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych sẽ chẳng “mặn nồng” gì với họ.

Biểu tượng của quyền tự quyết

AP cho biết, tại thành phố Sevastopol, nơi có Hạm đội Biển Đen của Nga đồn trú theo một thỏa thuận với Ukraine, hơn 70% trong số 1,5 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu chỉ trong 15 phút đầu tiên khi các điểm bầu cử mở cửa. “Tôi bỏ phiếu cho Nga. Đây là những gì mà chúng tôi đang chờ đợi. Chúng tôi là một gia đình và muốn sống với những người anh em của mình”, Svetlana Vasilyeva (27 tuổi) nói.

Theo Reuters, thăm dò cho thấy, cũng như Svetlana, đa số cử tri ủng hộ việc rời Ukraine và trở thành một phần của Nga. Họ kỳ vọng được trả lương tốt hơn và trở thành công dân của một đất nước có vị thế cao trên trường quốc tế. Thủ tướng Crimea vốn thân Nga Sergey Aksyonov gọi đây là “khoảnh khắc lịch sử”, là “kỷ nguyên mới”. “Mọi người sẽ sống hạnh phúc”, ông Aksyonov nói sau khi bỏ phiếu tại Simferopol. Ông còn cho hay, quá trình sáp nhập vào Nga sẽ mất thời gian không hơn một năm. Trong khoảng thời gian này, Crimea sẽ lưu hành cả hai loại tiền tệ: đồng ruble Nga và đồng hryvnia của Ukraine.

Các nhà chức trách thân Nga và các quan chức Mátxcơva xem cuộc trưng cầu dân ý là biểu tượng của quyền tự quyết, như quyết định của Kosovo trong việc ly khai khỏi Serbia. Nhưng chính phủ mới của Ukraine cho rằng, trưng cầu dân ý là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm khuấy động sự nổi dậy ở những khu vực phía đông nói tiếng Nga. Kiev còn khẳng định Crimea không thể tự tồn tại khi việc cung cấp điện, năng lượng và nước phụ thuộc vào “đất mẹ” (tức Kiev).

Những vòng đàm phán ngoại giao giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov xung quanh vấn đề tương lai của Crimea đều thất bại. Tại Hội đồng Bảo an LHQ, Nga là thành viên thường trực duy nhất dùng quyền phủ quyết một nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-3. Một cuộc đối đầu tại Hội đồng Bảo an đã diễn ra, mà Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk thậm chí gay gắt: “Liệu Nga muốn chiến tranh?”, mặc dù ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên của Tổng thống Putin - đã khẳng định sẽ không có Chiến tranh Lạnh mới trong thời đại toàn cầu hóa và có quan hệ tương hỗ về kinh tế.

Người dân Crimea bỏ phiếu tại cuộc trưng cầu dân ý
Người dân Crimea bỏ phiếu tại cuộc trưng cầu dân ý

“Ăn miếng trả miếng”?

Tổng thống Vladimir Putin, với sự ủng hộ của người dân Nga ở trong nước cũng như ở Crimea, có những lý do để không thể thờ ơ vùng đất trước đây thuộc Liên Xô cũ. Ông luôn giữ quan điểm cứng rắn: phải bảo vệ bằng được người dân nước mình khỏi “phát-xít” ở Kiev, lực lượng đã lật đổ ông Yanukovych hồi tháng 2 vừa qua.

Các nhà quan sát cho rằng, có thể Tổng thống Putin chấp nhận bị trừng phạt để đổi lấy Crimea. Nhưng thực chất, đây cũng là bài toán khó cho ông. Các biện pháp cấm vận dự kiến được đưa ra vào hôm nay (17-3). Không những thế, thêm nhiều biện pháp trừng phạt sẽ được công bố sau 2 ngày Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), từ ngày 20-3 đến 21-3.

Ukraine mất Crimea, EU sẽ cô lập Nga. Nhưng động thái này có thể kéo theo những đòn “ăn miếng trả miếng” bởi hai bên ràng buộc nhau với hàng chục tỷ USD giao dịch thương mại. Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, chủ yếu là mặt hàng dầu thô và khí đốt. EU là nhà tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Nga (trong đó Đức nhập khẩu 35% khí đốt từ Mátxcơva). Đổi lại, Nga mua mọi thứ, từ máy móc đến xe hơi của châu Âu.

Dù kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý có vào đêm 16-3, nhưng câu trả lời vẫn chờ kết quả chính thức được công bố vào hôm nay (17-3).

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.