.

Quan sát viên 21 quốc gia tham dự trưng cầu dân ý tại Crimea

.

ĐNĐT - Ngày 13-3, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Crimea, Mikhail Malyshev cho biết, đã có các quan sát viên từ hơn 21 quốc gia, trong đó có Mỹ, đăng ký tham dự cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea vào ngày 16-3 tới.

Một áp- phích kêu gọi người dân Crimea đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Sevastopol, ngày 10-3-2014. Ảnh: Reuters
Một áp- phích kêu gọi người dân Crimea đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Sevastopol, ngày 10-3-2014. Ảnh: Reuters

Ông Malyshev phát biểu với các phóng viên rằng, 50 chính trị gia và quan sát viên từ 21 quốc gia, có cả Mỹ, Israel, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp, đã đăng ký tham dự cuộc trưng cầu dân ý tới đây.

Trong cuộc trưng cầu lần này, người dân tại Crimea, đa phần là nói tiếng Nga, sẽ có 2 sự chọn lựa: sáp nhập vào Nga hay vẫn ở lại với Ukraine với quyền tự trị mở rộng.

Ông Malyshev cho biết, các kết quả trưng cầu dân ý đầu tiên sẽ được công bố vào ngày thứ Hai (17-3) và phiếu bầu đã được phân phát tới các văn phòng bầu cử địa phương.

Trước đó, Quốc hội Ukraine cho biết, các lá phiếu sẽ được in bằng ngôn ngữ Ukraine, Nga và Tatar.

Theo Chủ tịch Ban bầu cử Ukraine, có hơn 1,52 triệu người đủ tư cách cho cuộc trưng cầu dân ý. Số liệu dân cư chính thức của Crimea vào tháng Giêng là 1,96 triệu người, kể cả trẻ em chưa đủ tuổi bầu cử.

Con số trên không bao gồm cư dân tại thành phố cảng Sevastopol, với gần 380.000 người và một căn cứ hải quân Nga lớn, nơi có ban bầu cử riêng của mình.

Hôm thứ Ba (11-3), Quốc hội Crimea đã tuyên bố độc lập với Ukraine, và cũng trong tuyên bố của mình, Crimea khẳng định nếu cuộc trưng cầu dân ý chấp thuận, đất nước sẽ độc lập và ngay lập tức xin sáp nhập vào Nga.  

Hiện giới chức tại Crimea đã từ chối công nhận tính hợp pháp của chính quyền lâm thời ở Kiev, vốn đã hất cẳng Tổng thống Viktor Yanukovich vào hôm 22-2.

Ngược lại, Kiev và các lãnh đạo phương tây đã lên án cuộc trưng cầu dân ý tới là bất hợp pháp và lên án Kremlin, cho rằng đã vi phạm luật pháp quốc tế trong nỗ lực sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình.

Ngày 13-3, trước hàng loạt các chỉ trích Nga tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Ukraine, Đại sứ Nga, Vitaly Churkin tái khẳng định, Nga không muốn leo thang trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sẽ không can dự vào cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Quang Hiển (theo RIART)

 
;
.
.
.
.
.