Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman nói rằng, vụ máy bay Malaysia mất tích sáng 8-3 là bí ẩn chưa từng có trong ngành hàng không.
Việt Nam tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: Reuters |
Hoạt động tìm kiếm tung tích chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, chở 239 người, bước sang ngày thứ ba. Tính đến ngày 10-3, theo CNN, có 34 máy bay và 40 tàu của 10 nước, bao gồm: Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Mỹ… tham gia tìm máy bay mất tích.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur ngày 10-3, ông Rahman cho biết vẫn chưa tìm thấy dấu vết mảnh vỡ nào của máy bay. “Đây là vụ máy bay mất tích bí ẩn chưa từng có”, ông Rahman nói. Vệt dầu loang ngoài khơi Malaysia cũng không phải từ chiếc máy bay mất tích. Thông tin này càng làm các thân nhân của nạn nhân đau đớn, thậm chí phản ứng tức giận.
Nhiều giả thuyết được đặt ra về khả năng sai sót an ninh, đánh bom hoặc không tặc làm máy bay rơi, nhất là sau khi Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) khẳng định có ít nhất 2 hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp đi trên chuyến bay MH370. Người đứng đầu Cục Hàng không dân dụng Malaysia nói rằng, các nhà chức trách nước này đang xem xét mọi góc độ, mọi phương diện về những gì có thể xảy ra. “Chúng tôi phải có bằng chứng cụ thể, chúng tôi phải tìm ra chiếc máy bay”, ông Rahman nhấn mạnh. Song, ông loại bỏ khả năng máy bay bị không tặc.
Hy vọng thoáng lóe lên khi Cục Hàng không Việt Nam cho biết, lúc 15 giờ 20 ngày 10-3, lực lượng tìm kiếm vớt được vật thể nghi là xuồng cứu sinh ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam. Tuy nhiên, theo xác nhận ban đầu, đây chỉ là nắp cuộn cáp đã đóng rêu lâu ngày.
Thân nhân của các nạn nhân Trung Quốc tập trung tại một khách sạn ở Bắc Kinh bày tỏ tức giận về cách xử trí của Malaysia. Ảnh: AP |
Nhận dạng hành khách đánh cắp hộ chiếu
Malaysia mở cuộc điều tra khủng bố khi có thông tin ít nhất 2 hành khách có mặt trên chuyến bay sử dụng hộ chiếu đánh cắp. Theo đó, cảnh sát Malaysia nhận dạng được một trong những hành khách khả nghi qua hệ thống camera giám sát ở sân bay, nhưng người này không phải là người Malaysia. “Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra xem họ (2 người sử dụng hộ chiếu đánh cắp) đã nhập cảnh vào Malaysia như thế nào”, Cảnh sát trưởng Khalid Abu Bakar nói, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi, ít nhất 2 hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp, một của Ý và một của Áo, đều có đặc điểm nhận dạng là “người có khuôn mặt mang đặc trưng châu Á”. Một nhà ngoại giao châu Âu ở Kuala Lumpur nói rằng, thủ đô này là trung tâm châu Á của những người di cư trái phép, nhiều người trong số họ dùng tài liệu giả và đi theo những tuyến đường phức tạp như thông qua Bắc Kinh hoặc Tây Phi để đến đích là châu Âu.
Sức ép với Malaysia
Đến nay, 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn được cho là đã chết, trong đó 2/3 là công dân Trung Quốc. Trong lúc đó, báo chí Trung Quốc chỉ trích Malaysia và Hãng hàng không nước này xung quanh việc xử trí vụ khủng hoảng. Tờ Global Times cho rằng, phía Malaysia không thể trốn tránh trách nhiệm và phản ứng ban đầu của Kuala Lumpur không nhanh nhạy.
Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh giải quyết hồ sơ cho thân nhân các hành khách Trung Quốc đến Kuala Lumpur để theo dõi các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Trong căn phòng khách sạn gần sân bay Bắc Kinh, một người đàn ông cầm tên tay “tối hậu thư” viết tay có khoảng 100 chữ ký của các thân nhân nạn nhân, cam kết nếu MAS không giải thích rõ ràng và không nói sự thật thì họ sẽ gửi khiếu nại đến Đại sứ quán Malaysia. “Chúng tôi không tin MAS nữa”, người đàn ông này nói. Một số người nói trong nước mắt rằng, họ không đi đâu hết, bởi nếu đến Malaysia, họ sẽ không làm được gì cả ngoài việc chờ đợi. “Nếu đến Malaysia, chúng tôi có thể dựa vào ai. Hầu hết chúng tôi đều không nói được tiếng Anh”, một người bức xúc.
Chính phủ Trung Quốc cũng thúc giục Malaysia tăng tốc trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, còn quá sớm để biết điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay, nhưng gia đình của các hành khách cần sớm nhận được lời giải thích. Thực tế, tại Bắc Kinh, nhiều thân nhân của các hành khách đang mất kiên nhẫn vì phải chờ đợi quá lâu, họ chỉ trích việc không nhận được thông tin kịp thời. Một đội gồm các quan chức Trung Quốc thuộc các bộ cũng lên đường đến Malaysia vào ngày 10-3 để điều tra vụ việc và hỗ trợ các gia đình nạn nhân tại đây.
Việt Nam cấp phép 3 tàu Trung Quốc, 1 tàu Mỹ vào tìm máy bay Ngày 10-3, Lữ đoàn không quân 918, Sư đoàn 370 đóng tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các máy bay tổ chức tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Theo đề nghị của phía Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam đã cấp phép cho 3 tàu Trung Quốc và 1 tàu Mỹ vào tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay, song hoạt động dưới sự điều phối, chỉ huy và bảo đảm an ninh chủ quyền của Việt Nam. Chiều cùng ngày, đánh giá về việc các hiện tượng, đồ vật liên quan được tìm thấy trên biển, Đại tá Phạm Trường Sơn - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 370 - cho biết: “Đến giờ phút này, các vật trôi nổi trên biển được phát hiện mới chỉ ở mức nghi ngờ, chưa có kết luận cụ thể”. Theo Đại tá Phạm Trường Sơn: “Kết quả tìm kiếm trên biển như thấy phao màu đỏ ở vùng tọa độ 7 độ 27 phút 55 giây và 103 độ 13 phút 33 giây, chúng tôi đều quay phim, ghi hình để báo cáo. Tất cả các nhận định phải hết sức thận trọng. Nếu chúng ta kết luận đơn giản, các lực lượng khác cho đấy là vị trí, tìm nhầm thì hiệu quả tìm kiếm của các lực lượng giảm đi”. TTXVN |
BÌNH YÊN