.

Bà Yingluck Shinawatra bị truy tố

.

Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) Thái Lan quyết định truy tố Thủ tướng vừa bị phế truất Yingluck Shinawatra vì tội tắc trách trong chương trình trợ giá gạo, dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế cho đất nước.

Những người biểu tình chống chính phủ tuần hành ở Bangkok ủng hộ quyết định của Tòa án Hiến pháp và Ủy ban chống tham nhũng quốc gia.  							      Ảnh: Reuters
Những người biểu tình chống chính phủ tuần hành ở Bangkok ủng hộ quyết định của Tòa án Hiến pháp và Ủy ban chống tham nhũng quốc gia. Ảnh: Reuters

Vậy là thêm một tội danh cho bà Yingluck, ngoài tội lạm quyền, chỉ một ngày sau khi Tòa án Hiến pháp phế truất vị Thủ tướng đã nắm quyền 2 năm, 9 tháng, cùng 9 thành viên khác trong nội các. Người đứng đầu NACC Panthep Klanarongran cho biết, cơ quan này đã bỏ phiếu thống nhất rằng, họ có đủ bằng chứng để truy tố bà Yingluck. Theo đó, bà Yingluck phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu luận tội tại Thượng viện trong tuần tới và nếu bị kết tội, bà sẽ bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm. Kể từ năm 2007, một số thành viên trong gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và khoảng 150 đồng minh của ông cũng đã bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm.

Giới quan sát cho rằng, quyết định của NACC lại là đòn giáng nặng nề nữa cho bà Yingluck. Thực chất, chương trình trợ giá gạo là một chính sách dân túy của chính phủ Yingluck và chính sách này đã giúp bà có được những lá phiếu của hàng triệu nông dân, giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử năm 2011. Với chính sách này, nông dân Thái Lan được hưởng lợi bởi chính phủ mua gạo của họ với giá cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, những bất cập của chương trình đã khiến nền kinh tế bị thiệt hại ít nhất 4,4 tỷ USD, còn chính phủ của bà Yingluck dính cáo buộc tham nhũng. Chính sách trợ giá cho nông dân đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Thái Lan lên cao và làm giảm khả năng cạnh tranh của nước này trên thị trường lương thực thế giới. Vì vậy, Thái Lan mất vị trí nước xuất khẩu gạo hàng đầu trong một thời gian.

NACC, một trong những cơ quan nhà nước độc lập, với quyền lực tương tự tòa án, cũng đang tìm kiếm những cáo buộc khác chống lại bà Yingluck. Song, NACC nói rằng sẽ không mở rộng điều tra về chương trình trợ giá gạo đối với các thành viên còn lại trong nội các.

Theo AFP, quyết định của NACC và cả phán quyết của Tòa án Hiến pháp đều khơi mào sự tức giận của lực lượng ủng hộ bà Yingluck. Thủ lĩnh phe áo đỏ Jatuporn Prompan cáo buộc tòa án và NACC về phe những người biểu tình chống chính phủ. Ông Prompan thậm chí cảnh báo nguy cơ đảo chính quân sự bởi kể từ năm 1932 đến nay, Thái Lan từng trải qua 18 cuộc đảo chính (cả những vụ thành công và thất bại). Ông Prompan còn thúc giục phe áo đỏ tham gia cuộc tuần hành vào ngày 10-5 tới.

Trong lúc đó, những người biểu tình chống chính phủ nói rằng, họ không những sẽ bầu chọn một chính phủ mới vào hôm nay (9-5), thúc đẩy việc loại bỏ ảnh hưởng của ông Thaksin đối với Thái Lan. Song, động thái này được cho là sẽ càng đẩy Thái Lan vào bạo lực chính trị trong lúc đang bị phân cực sâu sắc; hơn nữa các cuộc xung đột giữa lực lượng ủng hộ và lực lượng chống đối bà Yingluck có thể xảy ra. Hiện tại, nội các còn lại của chính phủ bà Yingluck vẫn tiếp tục công việc của mình dưới sự điều hành của Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongphaisan, người vừa được bầu thay thế bà Yingluck.

Tuy nhiên, ngay cả ông Boonsongphaisan cũng đối mặt với rắc rối pháp lý. Với vai trò Bộ trưởng Thương mại, ông có thể bị đình chức vụ vì liên quan trực tiếp đến chương trình trợ giá gạo. Vì vậy, sự ổn định chính trị ở Thái Lan xem ra vẫn còn xa và khủng hoảng vẫn ở lại xứ sở chùa vàng này.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.