.

Quốc tế lên án việc tàu Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông

.

Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc tàu Trung Quốc đâm rách nhiều tàu của lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 7-5 nhấn mạnh: “Mỹ rất lo ngại về những hàng động nguy hiểm và đầy tính hăm dọa của các tàu Trung Quốc trong khu vực tranh chấp”.

Vòi rồng của tàu Trung Quốc tấn công tàu của Việt Nam
Vòi rồng của tàu Trung Quốc tấn công tàu của Việt Nam

Bà Psaki nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trên biển Việt Nam là một “hành động khiêu khích và không có lợi cho việc ổn định an ninh trong khu vực”.

“Chúng tôi kêu gọi các bên có cách hành xử an toàn và phù hợp, đồng thời kiềm chế và giải quyết các đòi hỏi chủ quyền một cách hoà bình, bằng đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Psaki tuyên bố.

Trong phần bình luận của mình, hai ông Ernest Bower và Gregory Poling từ viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington cho biết hành động của Trung Quốc là “rất đáng lo ngại”.

Bà Theresa Fallon, một chuyên gia cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu châu Á ở Brussels, Bỉ, nhận định, động thái của Trung Quốc là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” đối với ngành công nghiệp năng lượng trong khu vực và được thực hiện với mục đích “chọc giận” Việt Nam.

“Đó là một giàn khoan lớn, có kích thước bằng khoảng hai sân bóng đá gộp lại”, bà Fallon cho hay.

“Sự thật là việc Trung Quốc ngay lập tức đưa giàn khoan dầu mỏ của mình vào biển Việt Nam sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến công du 4 nước châu Á vào cuối tháng 4 vừa qua đã cho thấy dã tâm của Bắc Kinh trong việc thử thách lập trường của Việt Nam, các nước Đông Nam Á và cả Mỹ”, hai ông cho biết.

Bắc Kinh có thể đang muốn “thay đổi hiện trạng hiện nay” khi họ nhận thấy rằng Washington đang bị phân tán với những vấn đề quốc tế đáng lưu tâm tại Ukraine, Nigeria và Syria, hai chuyên gia này nhận định.

“Nếu Trung Quốc tin rằng Mỹ đang bị phân tán với nhiều vụ việc khác nhau và khó có khả năng thực thi cam kết việc bảo đảm an ninh cho Nhật Bản và Philippines mà ông Obama đã đưa ra khi đến thăm châu Á thì họ cần hiểu rằng những động thái gây hấn của họ ở phía Nam đảo Hoàng Sa có thể gây ra những hậu quả lâu dài trong khu vực và trên toàn cầu”, hai chuyên gia này cảnh báo.

Một quan chức ngành dầu khí Trung Quốc cũng cho biết việc đưa dàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam dường như là một quyết định mang màu sắc chính trị nhiều hơn là ý nghĩa thương mại.

“Điều này thể hiện tham vọng của chính quyền Trung Quốc và cũng có nhiều mối liên hệ đến chiến lược của Mỹ tại châu Á”, quan chức này nói.

Nhật Bản hôm nay (8-5) cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc nhằm vào tàu Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.

Trước đó, ngày 7-5, bình luận về việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh hành động của Trung Quốc "làm gia tăng căng thẳng trong khu vực" và khiến Nhật Bản quan ngại. Ông kêu gọi tránh mọi hành động đơn phương trên Biển Đông.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Singapore cũng khẳng định các bên cần tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Người phát ngôn cho biết, Singapore sẽ tiếp tục kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7-5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố ông sẽ đề nghị các nước đối tác ASEAN nhanh chóng hoàn tất COC để điều chỉnh các hành động ứng xử trên Biển Đông theo khuôn khổ pháp lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, Tổng thống Aquino dự kiến sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Nay Pyi Taw (Myanmar) từ ngày 10-11/5 với một chương trình nghị sự ưu tiên nhằm thúc đẩy các bên sớm thông qua COC.

"Trung Quốc đã dùng tàu chiến đâm vào tàu Việt Nam"

Báo Thế giới giật tít:
Báo Thế giới giật tít: "Trung Quốc dùng tàu chiến đâm vào tàu Việt Nam".

Ngày 7-5, một loạt các trang báo lớn của Đức như Thế giới (die Welt), Thời đại (die Zeit), Tấm gương (die Spiegel), Làn sóng Đức (DW)... đã đăng tin, ảnh phản ánh thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Với dòng tít "Trung Quốc dùng tàu chiến đâm vào tàu Việt Nam," báo Thế giới cho biết tại Biển Đông, các tàu chiến Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam khi các tàu Việt Nam cố ngăn cản việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển nước này.

Theo bài báo, việc Trung Quốc đặt giàn khoan là "một trong hàng loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc." Bài báo dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết các tàu Trung Quốc đã đâm thằng vào tàu Việt Nam và dùng vòi rồng phun vào các tàu Việt Nam khiến nhiều kiểm ngư Việt Nam bị thương, nhiều tàu bị hư hại.

Báo trên cho rằng đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam trong nhiều năm qua. Bài báo cũng dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết từ đầu tuần, Việt Nam đã kịch liệt phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 220km.

Trong khi đó, báo Thời đại cùng ngày dẫn các nguồn từ Hà Nội đưa tin nhiều kiểm ngư Việt Nam đã bị thương khi tàu Trung Quốc đâm thẳng vào các tàu Việt Nam. Trung Quốc thậm chí còn sử dụng cả vòi rồng để phun vào tàu Việt Nam.

Báo Tấm gương cũng đưa tin về căng thẳng ở Biển Đông khi viết rằng "tàu kéo Trung Quốc đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam" khiến nhiều người bị thương và nhiều tàu bị hư hại.

Bài báo dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu cho biết lực lượng cảnh sát và kiểm ngư Việt Nam đã và sẽ vẫn hết sức kiềm chế, song nếu tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục đâm vào tàu Việt Nam, phía Việt Nam sẽ buộc phải tự vệ bằng hành động tương tự.

Cùng chủ đề trên, báo Làn sóng Đức dẫn nguồn từ Hà Nội cho biết các tàu Trung Quốc đã tấn công tàu Việt Nam trên biển Đông.

Bài báo dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu tuyên bố "mọi kiềm chế đều có giới hạn," đồng thời cho biết trong vài ngày qua, các tàu Trung Quốc đã gây hư hỏng cho nhiều tàu và làm bị thương ít nhất 6 người Việt Nam.

Bài báo cho rằng căng thẳng có nguy cơ leo thang thành những cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn.

Wall Street Journal nhắc lại, một cuộc chiến tranh biên giới đã nổ ra giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 1979. Ngày nay, Trung Quốc có sức mạnh quân sự hùng hậu hơn Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ nhanh chóng lùi bước, tờ báo viết.

“Việt Nam có một lịch sử không lùi bước trước những cuộc đối đầu quân sự”, ông James Hardy, biên tập viên về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tờ  IHS Jane's Defence Weekly, nói.

ĐNĐT (tổng hợp)

 

;
.
.
.
.
.