.

Thế giới lên án đảo chính quân sự tại Thái Lan

.

Dư luận quốc tế đều bày tỏ quan ngại một cách thận trọng trước những diễn biến chính trị dồn dập tại Thái Lan chiều 22-5, cho rằng điều này đi ngược lại lợi ích của đa số người dân Thái Lan.

Nhiều nước và tổ chức quốc tế lên án hành vi tiếm quyền của quân đội Thái Lan.
Nhiều nước và tổ chức quốc tế lên án hành vi tiếm quyền của quân đội Thái Lan.

Nhiều nước và tổ chức quốc tế lên án hành vi tiếm quyền của quân đội Thái Lan.

Trong phát biểu đưa ra vào đêm 22-5 theo giờ Việt Nam, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho biết ông "hết sức quan ngại" về việc quân đội lên nắm quyền ở Thái Lan.

“Cần có sự trở lại nhanh chóng của chính quyền hợp hiến, dân sự, dân chủ và tiến hành cuộc đối thoại bao gồm tất cả các bên để mở đường cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài tại Thái Lan"”, ông Ban Ki-moon kêu gọi.

Người phát ngôn Cơ quan nhân quyền LHQ Ravina Shamdasani cho rằng việc ban bố tình trạng thiết quân luật và các mệnh lệnh quân sự có thể vi phạm các quyền tự do cơ bản của người dân Thái Lan.

“Chúng tôi nhắc nhở giới chức Thái Lan về các nghĩa vụ của nước này theo luật nhân quyền quốc tế, vốn hạn chế một cách khắt khe việc áp dụng đặc quyền nhằm giải quyết khủng hoảng. Chúng tôi hối thúc giới chức Thái Lan tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo rằng các quyền con người cơ bản được tôn trọng”, bà Ravina Shamdasani nói.

Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên của khối này cũng lên án vụ đảo chính và hối thúc Thái Lan nhanh chóng trở lại tiến trình dân chủ, pháp quyền.

“Ông Hollande lên án việc quân đội nắm quyền lực tại Thái Lan và kêu gọi nước này ngay lập tức quay trở lại trật tự theo hiến pháp và tiến hành bầu cử”, thông cáo từ văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu rõ.

"Chúng tôi quan ngại về việc quân đội tuyên bố đảo chính ở Thái Lan và đang theo dõi sát sao các diễn biến. Chúng tôi hối thúc tất cả các bên đặt bất đồng sang một bên và tôn trọng các giá trị của nên dân chủ và pháp quyền. Điều này hoàn toàn vì lợi ích của nhân dân Thái Lan", Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố.

Từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định quân đội Thái Lan "không có lý do gì" để đảo chính và động thái này có thể làm tổn hại quan hệ giữa hai nước.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ hối thúc Thái Lan khôi phục chính quyền dân sự, tiến hành bầu cử sớm theo ý nguyện của người dân và trả tự do cho giới lãnh đạo chính trị cấp cao của Thái Lan.

Lầu Năm Góc cho biết đang xem xét lại hỗ trợ và can dự quân sự với Thái Lan, bao gồm cả cuộc tập trận đang diễn ra ở Thái Lan với sự tham gia của khoảng 700 thủy thủ và lính thủy đánh bộ.

"Chúng tôi đang xem xét lại hỗ trợ và các can dự giữa hai quân đội. Chúng tôi sẽ thông báo khi có quyết định", phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren cho biết.

Các phát biểu này được đưa ra sau khi vào 16h30 cùng ngày, quân đội Thái Lan tuyên bố đảo chính và thành lập Ủy ban gìn giữ hòa bình quốc gia nắm quyền điều hành đất nước. Quân đội cũng áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, đồng thời đình chỉ bản Hiến pháp năm 2007, ngoại trừ một số chương liên quan tới Hoàng gia. Theo Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha, quân đội Thái Lan buộc phải hành động như vậy vì không có lựa chọn nào khác trong thời điểm hiện nay.

Hiện tại, chỉ có Thượng viện và các tòa án Thái Lan vẫn hoạt động. Tất cả các đài truyền hình, phát thanh được yêu cầu ngừng phát sóng các chương trình hàng ngày và chỉ phát những tin do quân đội đưa ra. Các dịch vụ Internet cũng bị cắt từ 21h30 đêm 22-5.

Dân trí

;
.
.
.
.
.