.

Thủ tướng Thái Lan bị phế truất

.

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng 9 thành viên nội các phải từ chức. Song, phán quyết này càng đẩy đất nước vào khủng hoảng chính trị sâu sắc.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu với báo giới tại Bangkok ngày 7-5.      Ảnh: AP
Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu với báo giới tại Bangkok ngày 7-5. Ảnh: AP

Theo Reuters, phán quyết nói trên là đòn giáng mạnh mẽ đối với Thủ tướng Yingluck và dòng họ Shinawatra. Phó Thủ tướng Phongthep Thepkanjana cho biết, các thành viên còn lại trong nội các đã thống nhất bầu Bộ trưởng Thương mại Niwattumrong Boonsongpaisan làm Thủ tướng lâm thời. “Chức danh Thủ tướng đã hết hiệu lực... Bà Yingluck không còn đảm nhiệm cương vị Thủ tướng tạm quyền”, Chánh án Charoon Intachan tuyên bố trong phiên tòa được phát trực tiếp trên truyền hình.

Phán quyết nêu rõ: bà Yingluck vi phạm Điều 268 của Hiến pháp. Tội danh lạm quyền mà tòa kết án xoay quanh câu chuyện Thủ tướng Yingluck điều chuyển công tác Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Thawil Pliensri sang vị trí cố vấn cho bà lúc mới lên nắm quyền vào năm 2011. Tòa án cho rằng, việc điều chuyển nhằm có lợi cho gia đình quyền lực của bà và đảng cầm quyền nên điều này vi hiến.

Ở Thái Lan, Thủ tướng thường do Hạ viện bầu chọn nhưng cơ quan này bị giải tán vào tháng 12 năm ngoái khi bà Yingluck Shinawatra kêu gọi bầu cử sớm để xoa dịu những người biểu tình. Cũng kể từ đó, bà điều hành chính phủ lâm thời với quyền lực hạn chế. Cuộc bầu cử vào tháng 2 vừa qua bị đảng đối lập tẩy chay và sau đó bị Tòa án Hiến pháp bác bỏ.

20-7 tới là ngày bầu cử lại ở Thái Lan nhưng chưa chính thức được phê chuẩn. Hơn nữa, phe đối lập vẫn tuyên bố không tham gia bỏ phiếu.

Theo AP, diễn biến mới nhất trên chính trường Thái Lan là thắng lợi của phe chống lại Thủ tướng Yingluck. Tuy nhiên, việc bà Yingluck cùng 9 thành viên nội các bị phế truất không những không giải quyết được khủng hoảng chính trị vốn kéo dài ở Thái Lan, mà còn báo hiệu nguy cơ xảy ra bạo lực hơn nữa khi phe áo đỏ sẽ trở lại đường phố. Cuộc biểu tình của lực lượng áo đỏ thuộc Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) dự kiến diễn ra vào ngày 10-5 tới. UDD tuyên bố sẽ đấu tranh chống lại “bất kỳ cuộc đảo chính nào”. Vậy nhưng, theo ông Jatuporn Prompan - thủ lĩnh phong trào áo đỏ, lực lượng này sẽ tuần hành trong hòa bình.

Những người ủng hộ bà Yingluck tức giận, cho rằng Tòa án Hiến pháp thiên vị khi thường xuyên chống lại chính phủ trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2006. Năm 2008, Tòa án cũng đã phế truất hai Thủ tướng có liên quan đến ông Thaksin.

Một số nhà quan sát trước đó cho rằng, tòa án sẽ phế truất cả nội các của bà Yingluck. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 9 bộ trưởng tham gia vụ điều chuyển công tác ông Thawil Pliensri phải từ chức, còn các thành viên khác vẫn tại vị. Điều này cũng có nghĩa, chính phủ lâm thời vẫn thuộc đảng cầm quyền của bà Yingluck.

Chưa rõ các yêu cầu của phe đối lập có được đáp ứng hay không, như việc thành lập hội đồng cải cách, bầu một lãnh đạo giám sát thực hiện các động thái loại bỏ tham nhũng và những gì mà họ cho là “chính trị tiền bạc” (chẳng hạn việc mua phiếu bầu). Cũng chưa rõ bà Yingluck có kháng cáo hay không, hoặc còn chịu thêm các án phạt khác, hoặc bị cấm tham gia chính trị.

Bà Yinglick, em gái của ông Thaksin, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan sau cuộc bầu cử vào giữa năm 2011. Hiện bà vẫn được đa số người nghèo ở quốc gia Đông Nam Á này yêu mến, hầu hết là người dân ở miền bắc và đông bắc. Song, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Bangkok lại chẳng ưa gì bà. 6 tháng qua, bà Yingluck đối mặt với các cuộc biểu tình trên đường phố Bangkok nhằm lật đổ chính phủ. Hôm nay (8-5), Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) sẽ đưa ra quyết định truy tố nữ Thủ tướng hay không xung quanh chương trình trợ giá gạo gây nhiều tranh cãi.

Diễn biến khủng hoảng chính trị

- Ngày 19-9-2006: Quân đội lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong một cuộc đảo chính. Ông Thaksin bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và không tôn trọng chế độ quân chủ.

- Tháng 12-2007, đảng chính trị thân Thaksin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và sau đó ông Samak Sundaravej trở thành Thủ tướng.

- Tháng 8-2008: Hàng ngàn người phản đối Thaksin, được gọi là phe áo vàng, bao vây văn phòng Thủ tướng, “đóng đô” ở đây suốt 3 tháng, đồng thời chiếm giữ hai sân bay ở Bangkok trong một tuần.

- Tháng 9-2008: Ông Samak Sundaravej rời nhiệm sở. Quốc hội chọn ông Somchai Wongsawat làm Thủ tướng.

- Tháng 10-2008: Tòa án Tối cao Thái Lan kết án ông Thaksin 2 năm tù vì tội tham nhũng.

- Tháng 12-2008: Các cuộc biểu tình kết thúc sau khi tòa án phán quyết rằng, đảng của ông Somchai gian lận bầu cử. Với sự ủng hộ của quân đội, Đảng Dân chủ đối lập chọn ông Abhisit Vejjajiva làm Thủ tướng.

- Tháng 3-2010: Chiến dịch của quân đội trấn áp những người biểu tình diễn ra và những cuộc đụng độ sau đó làm hơn 90 người chết, 1.800 người khác bị thương.

- Ngày 3-7-2011: Đảng Puea Thai giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử. Bà Yingluck Shinawatra trở thành Thủ tướng thứ 28 và là nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.

- Tháng 11-2013: Các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu diễn ra.

- Ngày 9-12-2013: Thủ tướng Yingluck tuyên bố giải tán Hạ viện, kêu gọi bầu cử sớm.

- Tháng 2-2014: Cuộc bầu cử sớm bị phe đối lập phá hoại.

- Ngày 7-5-2014: Tòa án Hiến pháp phế truất Thủ tướng Yingluck cùng 9 thành viên nội các, kết thúc 2 năm, 9 tháng nắm quyền của bà Yingluck.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.