.

Lý lẽ của Trung Quốc không đáng tin cậy

.

Tờ The Australian số ra ngày 17-6, đăng bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị cho rằng, lý lẽ bào chữa của Trung Quốc đối với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 là không đáng tin cậy cả trên thực tế lẫn pháp lý.

Tàu Hải cảnh 2168 của Trung Quốc tìm cách đâm ngang hông tàu kiểm ngư 768 của Việt Nam. 	Ảnh: TUỔI TRẺ
Tàu Hải cảnh 2168 của Trung Quốc tìm cách đâm ngang hông tàu kiểm ngư 768 của Việt Nam. Ảnh: TUỔI TRẺ

Bài viết của Đại sứ Lương Thanh Nghị có tiêu đề “Luật Biển và giới hạn hành xử của các nước”, trong đó khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động khiêu khích. Hành động này của Trung Quốc cũng vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam được ấn định bởi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002; đe dọa tự do hàng hải, hòa bình và an ninh khu vực.

Viện dẫn những quy định được ghi trong UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, Đại sứ Lương Thanh Nghị nêu rõ: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong khu vực cách đường cơ sở của Việt Nam từ 120-150 hải lý rõ ràng đã vi phạm quyền lợi hợp pháp của Việt Nam và bất chấp luật pháp quốc tế.

Trung Quốc cho rằng, khu vực hạ đặt giàn khoan nằm trong vùng tiếp giáp của quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc quản lý, chỉ cách đảo Tri Tôn 17 hải lý. Tuy nhiên, theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, Trung Quốc cố tình lờ đi 3 thực tế quan trọng:

Thứ nhất, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử đáng tin cậy và cơ sở pháp lý vững chắc về sự quản lý liên tục, có hiệu quả đối với Hoàng Sa bởi các chính quyền Việt Nam ít nhất từ thế kỷ 17.

Thứ hai, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực vào năm 1974. Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc và liên tục khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa.

Thứ ba, yêu sách về “quyền lịch sử” không phù hợp với các quy định của UNCLOS. Đại sứ khẳng định lý lẽ bào chữa của Trung Quốc đối với vụ việc Hải Dương-981 là không đáng tin cậy cả trên thực tế lẫn pháp lý.

Đại sứ Lương Thanh Nghị lên án những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay, như cố tình đâm và phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu dân sự Việt Nam, cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều. Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, những hành động như vậy là không thể chấp nhận được và vi phạm các chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi của quan hệ quốc tế hiện đại. Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam luôn mong muốn hợp tác cùng Trung Quốc để giải quyết hòa bình và công bằng các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông, hãng Kyodo của Nhật Bản dẫn lời chỉ huy lực lượng tác chiến của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ - Chuẩn đô đốc Mark Montgomery nói rằng, các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông nên được giải quyết bằng con đường ngoại giao rõ ràng giữa các nước liên quan, cũng như theo quy định của luật pháp do tòa án thế giới phân định. Về tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông Montgomery nói: “Những gì đang xảy ra trên Biển Đông  không đóng góp cho môi trường an toàn và ổn định ở đó. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích các giải pháp ngoại giao”. Theo ông, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề này là thông qua luật pháp, tòa án quốc tế về Luật Biển và sự minh bạch của tất cả những nước liên quan.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.