Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc giục các nhà lãnh đạo khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq cứu vãn hòa bình bằng việc sát cánh với chính phủ Baghdad khi quốc gia vùng Vịnh này đối mặt với mối đe dọa từ lực lượng nổi dậy.
Ngoại trưởng John Kerry (trái) nói với thủ lĩnh người Kurd Massoud Barzani rằng, tộc người này cần sát cánh với Baghdad. Ảnh: AP |
Ngày 24-6, một ngày sau khi hiện diện ở thủ đô Baghdad, Ngoại trưởng John Kerry đến khu vực tự trị của người Kurd, gặp gỡ các nhà lãnh đạo nơi đây. Reuters gọi chuyến công cán của ông Kerry đến Trung Đông lần này là chuyến đi khẩn cấp để cứu vãn Iraq, trong lúc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) chiếm giữ nhiều khu vực phía bắc và tây của nước này.
Cũng theo Reuters, điều mà ông Kerry nhấn mạnh là một chính phủ đoàn kết sắc tộc ở Iraq, trong đó không thể thiếu sự tham gia của người Kurd. Thậm chí, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki từng cam kết người Kurd và người Sunni sẽ được tham gia nhiều hơn trong chính phủ mới. Vì vậy, lực lượng người Kurd không thể rút khỏi tiến trình chính trị ở Baghdad. “Nếu họ rút khỏi tiến trình chính trị ở Baghdad thì sẽ làm nảy sinh nhiều hướng tiêu cực”, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Vị quan chức này còn cho rằng, chuyến công cán của ông Kerry quan trọng trong việc tham vấn ban lãnh đạo người Kurd, khuyến khích họ đóng vai trò tích cực trong tiến trình thành lập chính phủ, trong đó có việc lựa chọn một tổng thống mạnh mẽ có thể đại diện cho lợi ích của cả người Kurd lẫn người Iraq. Những thông điệp mà ông Kerry đưa ra đều nhằm minh chứng cam kết của Mỹ, sẽ hỗ trợ Iraq một cách “mạnh mẽ và liên tục” trong cuộc chiến chống lại ISIL.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Kerry, lãnh đạo người Kurd Massoud Barzani nói rằng khu vực tự trị này đang đối mặt với “một thực tế mới và một Iraq mới”. Trước đó, ông Barzani quy trách nhiệm cho Thủ tướng Maliki đã có những chính sách sai lầm, đồng thời kêu gọi nhà lãnh đạo người Shiite này từ chức. Hơn nữa, ông Barzani còn cho rằng, thật khó để hình dung người Iraq có thể chung sống cùng nhau!
Hai ngày sau khi các chiến binh Sunni chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, quân đội người Kurd cũng kiểm soát được thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk, nằm ngay bên ngoài khu vực tự trị. Người Kurd vốn xem Kirkuk là thủ đô lịch sử của mình. Một số quan chức người Kurd hàm ý rằng, đây là cơ hội để tộc người này tìm kiếm độc lập. Ngay cả trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNN mới đây, ông Barzani lại đe dọa tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập và cho rằng đây là lúc để người Kurd quyết định số phận của mình.
Trong lúc đó, thời hạn mà Thủ tướng Maliki đưa ra để thành lập chính phủ là trước ngày 1-7. Bất chấp uy tín đang sụt giảm, ông Maliki vẫn muốn tiếp tục tại vị. Hiện tại, nhà lãnh đạo này có nhiều mâu thuẫn với người Kurd nên sẽ khó gắn kết các sắc tộc trong một chính phủ (gồm cả người Shiite, người Kurd và người Suuni). Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, người Kurd phải là một phần quan trọng trong tiến trình thành lập chính phủ mới để “cài đặt lại nền tảng chính trị nơi đây”.
THIÊN BÌNH