.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông

Lợi thế của Việt Nam là công luận quốc tế

.

TS Edward Miller - giảng viên về lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ và lịch sử Việt Nam tại Đại học Dartmouth (bang New Hamshire) - cho rằng, lợi thế của Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc hiện nay là sự ủng hộ của công luận quốc tế.

Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực vùng biển phía nam đông nam giàn khoan Hải Dương-981 ngày 3-6. 							Ảnh: Tuổi trẻ
Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực vùng biển phía nam đông nam giàn khoan Hải Dương-981 ngày 3-6. Ảnh: Tuổi trẻ

TS Edward Miller đưa ra nhận định nói trên khi đánh giá về việc đối phó với hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương-981 và điều tàu chiến vào vùng nước chủ quyền của Việt Nam.

TS Edward Miller cho rằng, trên khắp thế giới, rất nhiều người nhìn nhận Trung Quốc là một cường quốc hiếu chiến can thiệp và nỗ lực lợi dụng các quốc gia khác. Động thái của Trung Quốc tại Biển Đông vừa qua là một phần trong nỗ lực lợi dụng ưu thế trong lĩnh vực quân sự tại Biển Đông. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan không vì mục đích kinh tế mà ẩn sau nó là động cơ chính trị. Tuy nhiên, cái giá mà Trung Quốc phải trả là danh tiếng trên vũ đài công luận quốc tế. “Trong lĩnh vực công luận quốc tế, tôi cho rằng cảm tình đang thiên về phía Việt Nam. Nhiều người nhìn vào các hành động của Trung Quốc, không chỉ tại Biển Đông mà còn tại biển Hoa Đông, và họ thấy rằng Trung Quốc đang theo đuổi mô hình bành trướng trên biển. Đây là điều khiến nhiều người trong cộng đồng quốc tế nghi ngờ Trung Quốc. Đó là lợi thế của Việt Nam trong sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc khủng hoảng hiện nay”, TS Edward Miller nói.

Cũng theo TS Edward Miller, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào sự ủng hộ của công luận quốc tế, đồng thời việc sử dụng các thể chế pháp lý quốc tế cũng là bước đi mà Việt Nam có thể thực hiện. Biển Đông là nơi mà nhiều nước đều có lợi ích về thương mại và tự do hàng hải. Do đó, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế để quốc tế hóa xung đột hiện nay nhằm gia tăng sức ép quốc tế đối với Trung Quốc. Tới nay, xung đột chủ yếu tập trung vào vấn đề lãnh thổ, đây không phải là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia trong ASEAN nói chung và với Mỹ nói riêng. Tuy nhiên, thương mại và tự do hàng hải là vấn đề quan trọng, đó là lĩnh vực mà Việt Nam cần nhấn mạnh với ASEAN cũng như với quốc tế.

Đánh giá về việc sử dụng sức mạnh quân sự trong khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, TS Edward Miller cho rằng, một số nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận trận hải chiến năm 1974 (Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam) là biểu tượng thành công trong chính sách của họ. Chính sách ngày nay của Trung Quốc dưới nhiều góc nhìn là sự mở rộng bài học mà họ rút ra từ cuộc chiến đó, đó là việc sử dụng sức mạnh để giành quyền kiểm soát. Theo TS Edward Miller, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động như vậy, tiếp tục sử dụng lực lượng quân sự theo một cách có chủ ý, có sự tính toán để dần dần thay đổi hiện trạng.

Đánh giá về vai trò can dự của Mỹ đối với các tranh chấp trên biển tại khu vực, TS Edward Miller nói rằng, Mỹ không quan tâm tới tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng Washington có lợi ích lớn và rất quan tâm tới vấn đề tự do hàng hải và giao thương trên Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Mỹ đã hết sức quan ngại về hành động của Trung Quốc nên đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng sự ủng hộ của Washington trong các nỗ lực đa phương nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc.

Cũng theo TS Edward Miller, Việt Nam cần phải chuẩn bị trước phương án đối phó vì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động sử dụng giàn khoan trong tương lai. “Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động tương tự trong tương lai. Việc khoan dầu chỉ có thể thực hiện vào thời điểm nhất định trong năm do yếu tố thời tiết và nguy cơ bão. Tôi cho rằng, hành động tương tự sẽ diễn ra vào mùa hè năm tới. Vì thế, Việt Nam cần phải chuẩn bị cho điều đó”, ông Edward Miller nhận định.

TTXVN

;
.
.
.
.
.