.

Vodafone hé lộ chuyện nghe lén điện thoại của các nước Tây Âu

.

Vụ việc Edward Snowden đã buộc các công ty công nghệ/viễn thông phải công bố rõ ràng hơn về chính sách đáp ứng nhu cầu nghe lén của các chính phủ và Vodafone đã trở thành nhà mạng quốc tế đầu tiên làm rõ về các yêu cầu này.

Trong "Bản báo cáo Thực hiện Pháp luật" được công bố vào tuần qua, công ty viễn thông lớn thứ 2 thế giới Vodafone đã hé lộ số lượng yêu cầu nghe lén hoặc hé lộ thông tin liên lạc của 29 thị trường trên toàn cầu, bao gồm các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU, Ai Cập, Ghana và một số quốc gia khác.

Nhà mạng này không hé lộ các thông tin về yêu cầu nghe lén của chính phủ tại Albania, Ai Cập, Hungary, Ấn Độ, Malta, Qatar, Romania, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, do việc công bố hay xác nhận hành vi nghe lén tại các quốc gia này là hoàn toàn trái với pháp luật.

Theo bản báo cáo của Vodafone, các chính phủ toàn cầu hiện đưa ra 2 dạng yêu cầu nghe lén chính: nghe lén trực tiếp và yêu cầu cung cấp dữ liệu cuộc gọi (số điện thoại, địa chỉ, thời điểm…). Tại một số quốc gia, chính phủ có thể trực tiếp truy cập vào đường dây điện thoại mà không cần có lệnh của tòa án. Tuy vậy, trong phần lớn các trường hợp, các chính phủ sẽ phải yêu cầu hợp tác từ Vodafone.

"Từ chối tuân theo luật pháp không phải là một lựa chọn khả thi. Nếu chúng tôi từ chối yêu cầu hợp pháp về việc hỗ trợ hành pháp, các chính phủ có thể xóa bỏ giấy phép hoạt động", Vodafone khẳng định trong tuyên bố chính thức.

Bản báo cáo của Vodafone cho thấy số lượng yêu cầu nghe lén của Italy đứng đầu thế giới (hơn 600.000 lượt), do cảnh sát tại đây phải đối đầu với mafia. Tanzania đứng thứ 2 với gần 100.000 yêu cầu, trong khi Tây Ban Nha có gần 50.000 yêu cầu.

Bản báo cáo của Vodafone là bản báo cáo đầu tiên của một nhà mạng quốc tế về yêu cầu nghe lén của các quốc gia Tây Âu ngoài Mỹ. Trước đó, nhà mạng AT&T và Verizon của Mỹ đã buộc phải công bố dữ liệu về các yêu cầu nghe lén của Washington sau khi scandal Snowden bùng nổ vào năm 2013.

Theo CNet

;
.
.
.
.
.