Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric tuyên bố, LHQ sẵn sàng làm trung gian giải quyết xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.
Các tàu cảnh sát biển Việt Nam phải cơ động vòng tránh, bảo đảm an toàn trước sự tấn công của các tàu Trung Quốc. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam |
Đài Truyền hình Nhật Bản NHK dẫn lời người phát ngôn Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Ban Ki-Moon khẳng định ông sẵn sàng làm trung gian nếu các bên có liên quan đề nghị sự hỗ trợ của LHQ. Ông Ban Ki-moon cũng bày tỏ hy vọng các bên sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ ủng hộ chủ trương của Việt Nam
TTXVN cho hay, ngày 10-6, tại trụ sở chính của LHQ ở New York (Mỹ - theo giờ địa phương), Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã gặp ông John Ashe, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ (khóa 68) để tiếp tục trao đổi ý kiến về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Đại sứ Lê Hoài Trung nêu rõ, từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào ngày 1-5, Trung Quốc đã sử dụng nhiều tàu và phương tiện, kể cả tàu quân sự, nhằm ngăn cản các cơ quan Việt Nam chấp pháp tại vùng biển của Việt Nam, thậm chí còn chủ động đâm húc, sử dụng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp và tàu cá của Việt Nam, gây thương tích cho một số cán bộ kiểm ngư. Mới đây nhất, tàu Trung Quốc còn đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại ngư trường truyền thống.
Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định xuất phát từ chính sách nhất quán là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế và mong muốn gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Việt Nam kiềm chế tối đa, nỗ lực giải quyết tình hình hiện nay thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác phù hợp luật pháp quốc tế cũng như Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Đại sứ thông báo Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp, nhưng phía Trung Quốc không những không đáp ứng đề nghị của Việt Nam mà còn gia tăng những hành động gây căng thẳng. Đại sứ Lê Hoài Trung cũng đề nghị LHQ và cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ những yêu cầu, đề nghị thiện chí của Việt Nam.
Ông John Ashe bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại Biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Ông cho rằng, các bên liên quan không nên có các hành động đơn phương làm căng thẳng gia tăng.
Tại cuộc gặp, Đại sứ Lê Hoài Trung đã trình bày với ông John Ashe các cơ sở để khẳng định rõ hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của UNCLOS, đồng thời vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) cũng như thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; đe dọa hòa bình, ổn định khu vực cũng như an ninh, an toàn và tự do hàng hải. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, các tàu và phương tiện ra khỏi vùng biển của Việt Nam; đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp trên biển cũng như liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời bác bỏ những lý lẽ trái với thực tế, không có cơ sở pháp lý quốc tế về các vấn đề trên trong các tài liệu Trung Quốc đã lưu hành tại LHQ, trong đó có những nội dung được đề cập tại Tuyên bố ngày 8-6-2014 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
TTXVN đưa tin: Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế tại New York, Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh những hành động đang diễn ra tại Biển Đông là “vấn đề nghiêm trọng”. Ông cho biết, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và hơn 100 tàu ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thiết lập môi trường đàm phán.
Đại sứ Lê Hoài Trung cho hay, hiện Trung Quốc vẫn từ chối đối thoại và luôn khăng khăng một cách vô lý rằng vùng nước xung quanh giàn khoan thuộc chủ quyền của Trung Quốc và không tồn tại tranh chấp. Đại sứ Lê Hoài Trung nói rằng, việc từ chối thảo luận về tranh chấp của Bắc Kinh là “khiêu khích” và tạo ra “những quan ngại nghiêm trọng”.
Xung quanh những cáo buộc của Trung Quốc rằng các tàu Việt Nam đã cố ý quấy nhiễu và đâm tàu Trung Quốc, Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh khu vực mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam chỉ điều các tàu dân sự tới khu vực để thực thi pháp luật, nhưng phía Trung Quốc đã điều cả tàu chiến tới khu vực này. Việt Nam đã công khai mời các phóng viên quốc tế ra thực địa để tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra. Thậm chí, Việt Nam cũng đã lên tiếng mời các phóng viên Trung Quốc tới hiện trường. Những hình ảnh mà các phóng viên Việt Nam và quốc tế công bố như hình ảnh tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công bằng vòi rồng hay cố ý đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã cho thấy sự thật.
Trung Quốc sợ đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa quốc tế Tạp chí The Diplomat nhận định việc Trung Quốc đưa tài liệu về vụ giàn khoan Hải Dương-981 tới LHQ để vu cáo Việt Nam cho thấy Bắc Kinh sợ đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế. Theo The Diplomat, việc Trung Quốc vu cáo Việt Nam ở LHQ là điều khó hiểu. Bởi lẽ, từ trước đến nay Trung Quốc đều tuyên bố muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng đàm phán song phương. Bắc Kinh cũng nhiều lần chỉ trích các “bên thứ ba” và những nỗ lực “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông. Tạp chí nói trên nhận định: Việc Trung Quốc đưa vụ giàn khoan Hải Dương-981 ra LHQ do Bắc Kinh cho rằng nước này sở hữu quần đảo Hoàng Sa và không có tranh chấp tại đây. Tuy nhiên, tài liệu do Bắc Kinh đưa ra cố tình quên thực tế quần đảo Hoàng Sa thuộc sở hữu của Việt Nam và Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng vào năm 1974. The Diplomat cho rằng, Trung Quốc lo ngại việc Việt Nam có thể kiện nước này ra tòa án quốc tế. Nếu làm như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Nhật, Úc và rất nhiều nước khác. Và bằng việc chủ động đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương-981 ra LHQ, Trung Quốc muốn cản trở Việt Nam kiện ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, theo The Diplomat, việc “quốc tế hóa” là bước đi mạo hiểm của Bắc Kinh bởi trên thực tế bản đồ “đường lưỡi bò” của nước này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Do đó, Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ thua kiện. |
B.T tổng hợp