.

Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận quốc tế

.
Tàu hải giám Trung Quốc mở hết tốc lực truy cản tàu cảnh sát biển của Việt Nam.
Tàu hải giám Trung Quốc mở hết tốc lực truy cản tàu cảnh sát biển của Việt Nam.

Ngày 25-6, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) đã tổ chức tại Paris hội thảo “Tình hình an ninh tại Đông Nam Á và khu vực Biển Đông.”

Theo giáo sư Rommel Banlaoi - trường đại học Miriam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines (CINNS) - diễn giả chính của hội thảo, Trung Quốc là một con rồng đã thức dậy và vươn lên mạnh mẽ. Thoạt đầu, rất nhiều người mong đợi rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ mang lại tác động tích cực cho khu vực và thế giới. Thế nhưng, sự thất vọng, hoài nghi và lo ngại đã dần xuất hiện.

Tình hình ngày càng đáng báo động khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt các động thái gây bất ổn tại khu vực Biển Đông.

Để minh họa cho các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, giáo sư Rommel Banlaoi đã trích dẫn việc Trung Quốc điều tàu đến gây rối các hoạt động của tàu tiếp tế Phillippines tại các khu vực do Phillippines quản lý (Bãi Cỏ Mây), và đặc biệt là ngày 2-5, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

“Rõ ràng hành động của Trung Quốc đã vi phạm những thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết như Công ước Liên Hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tất cả đều phục vụ mục đích là cụ thể hóa tham vọng chiếm trọn Biển Đông thông qua tuyên bố vô căn cứ Đường chín đoạn,” ông này nói.

Tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam sau khi bị nhiều tàu Trung Quốc vây ép, đâm hỏng nặng
Tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam sau khi bị nhiều tàu Trung Quốc vây ép, đâm hỏng nặng

Ông Banlaoi cũng chỉ rõ là sự phản đối của Việt Nam vượt ngoài dự tính của Trung Quốc, tinh thần yêu nước cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt Nam lan rộng khắp cả nước và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Trung Quốc cần phải hiểu điều này.

Giáo sư Banlaoi cũng cho rằng tình hình bất ổn trong khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Trung Quốc tiếp tục tuyên bố đưa thêm bốn giàn khoan nữa vào thăm dò ở khu vực Biển Đông.

Theo ông, để bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Trung Quốc phải tôn trọng những gì họ đã thỏa thuận và trên hết là các nước ASEAN phải có tinh thần đoàn kết vì chỉ có đoàn kết và hợp tác mới góp phần giải quyết tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Ông cũng cho rằng, những sự kiện giao lưu thể thao như giao lưu ngày 7-6 tại quần đảo Trường Sa giữa hải quân Philippines và hải quân Việt Nam là một hoạt động hữu nghị, giúp tăng cường hiểu biết giữa các nước trong khu vực, tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối hoạt động này.

Liên quan đến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), ông cho rằng mặc dù EU đã ra tuyên bố về tranh chấp tại Biển Đông, nhưng tuyên bố đó nhưng chưa tương xứng với sức mạnh của tổ chức này. Cần phải có tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn, bởi vì EU cũng có lợi ích tại khu vực này, không thể vì lợi ích song phương với Trung Quốc mà bỏ qua lợi ích của cả khu vực.

Nếu toàn bộ khu vực Đông Nam Á có ổn định thì EU mới có thể tăng cường hợp tác mọi mặt với khu vực đó. Nếu không, Trung Quốc sẽ đạt được mục đích là tiếp tục tạo ra “sự đã rồi” để tiến hành việc chiếm trọn Biển Đông.

Giáo sư Rommel Banlaoi cũng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bá quyền và việc sử dụng vũ lực không thể giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, nó chỉ đem lại những hậu quả tiêu cực, cần phải tiến hành các đối thoại. Chỉ có các biện pháp ngoại giao và hòa bình mới giải quyết được các bất đồng và tranh chấp.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.