.

Cảnh sát Trung Quốc giết hàng chục kẻ "khủng bố" Tân Cương

.

Tối qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin hàng chục người đã chết và bị thương trong một vụ “tấn công khủng bố” ở khu tự trị Tân Cương, quê hương của người thiểu số Uighur.

Một cảnh sát Trung Quốc đóng vai kẻ tấn công bằng dao chống trả cảnh sát chống bạo động trong cuộc diễn tập chống khủng bố ở Urumqi ngày 26-4 - Ảnh: Reuters
Một cảnh sát Trung Quốc đóng vai kẻ tấn công bằng dao chống trả cảnh sát chống bạo động trong cuộc diễn tập chống khủng bố ở Urumqi ngày 26-4 - Ảnh: Reuters

Tân Hoa xã dẫn nguồn tin nhà chức trách địa phương cho biết một nhóm người cầm dao đã tấn công một đồn cảnh sát và vài văn phòng chính phủ, đập phá xe cộ ở hai thị trấn thuộc huyện Shache, vùng Kashgar.

“Hàng chục người Uighur và người Hán đã thiệt mạng hoặc bị thương. Cảnh sát tại hiện trường đã bắn chết hàng chục thành viên nhóm bạo loạn” - bản tin trên cho biết.

Điều tra sơ bộ cho thấy đây là một “cuộc tấn công khủng bố được lên kế hoạch từ trước”. Ngoài ra, Tân Hoa xã chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Tân Cương là khu vực tập trung đông người thiểu số Uighur có ngôn ngữ, văn hóa hoàn toàn khác biệt người Hán và theo đạo Hồi. Kể từ tháng 8-2008, các vụ bạo lực liên tục nổ ra ở khu tự trị này.

Vụ nghiêm trọng nhất gần đây diễn ra ngày 22-5 tại thành phố Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Một nhóm người Uighur đã đánh bom khu chợ trời Urumqi làm 39 người thiệt mạng và 94 người bị thương.

Trước đó hôm 30-4, hai người đánh bom liều chết ở nhà ga Urumqi, tám người khác đâm dao vào hành khách, làm tổng cộng hai người chết và 80 người bị thương.

Kể từ tháng 5, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ và xử tù hàng trăm người Uighur ở Tân Cương vì tội “khủng bố”. Hàng chục người đã bị tử hình.

Mới đây, Bắc Kinh ra lệnh cấm hành khách ở Tân Cương mang bật lửa, vật sắc nhọn và chất lỏng lên xe buýt để đề phòng nguy cơ tấn công. Cảnh sát sẽ có mặt ở các trạm xe buýt để tuần tra.

Các tổ chức người Uighur ở nước ngoài cáo buộc Bắc Kinh thực hiện chính sách đàn áp văn hóa, tôn giáo và kinh tế đối với người Uighur địa phương, khiến bạo động bùng nổ.

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.