Sau Đức và Hà Lan, Anh là quốc gia phương Tây mới nhất đặt vấn đề tước quyền đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh của Nga năm 2018.
World Cup 2018 sẽ tổ chức ở Nga. |
Nga đang vướng cáo buộc liên quan đến vụ máy bay dân dự Malaysia MH17 rơi ở khu vực Đông Ukraine do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát. Và theo Phó Thủ tướng Anh, Nick Clegg, các sự kiện thể thao nên được đưa vào danh mục cấm vận, trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow.
"Chúng ta không thể để bóng đá - môn thể thao tươi đẹp - bị ảnh hưởng bởi sự hiếu chiến của Nga ở khu vực biên giới Nga - Ukraine", chính trị gia này nói trên tờ Sunday Times (Anh). "Tôi nghĩ phần còn lại của thế giới sẽ trở nên yếu hèn và giả dối trong việc phản đối cách hành xử của chính quyền Putin, nếu chúng ta không được chuẩn bị để có những hành động cứng rắn".
Ông Nick Clegg. Ảnh: EPA. |
"Chính quyền của Putin không thể thách thức sự kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế, gây mất ổn định quốc gia láng giềng, bảo vệ những kẻ ly khai có vũ trang ở miền Đông Ukraine, mà vẫn có đặc quyền và vinh dự đón nhận sự tung hô trong năm 2018 khi làm chủ nhà World Cup", ông Clegg nhấn mạnh.
Trước Clegg, một chính trị gia khác là Michael Fuchs, nghị sĩ của đảng bảo thủ Đức, đã đặt vấn đề tước quyền đăng cai World Cup 2018 của Nga. Hà Lan, với phần lớn nạn nhân trên chuyến bay MH17 là người nước này, không phản ứng quá mạnh mẽ. Nhưng họ cũng đặt vấn đề xem xét lại quyền đăng cai của Nga.
"Chúng tôi tin rằng sẽ thích hợp hơn để thảo luận quyền đăng cai World Cup vào một lúc khác, khi cuộc điều tra vụ rơi máy bay hoàn tất", thông báo của Liên đoàn Bóng đá Hà Lan (KNVB) có đoạn.
Tuy nhiên, FIFA đã bác bỏ ý tưởng trừng phạt Nga bằng cách rút quyền đăng cai World Cup 2018. Quan điểm này cũng được chia sẻ từ một số nhân vật bóng đá.
"Tẩy chay các sự kiện thể thao hiếm khi đạt được điều gì và vì thế, tôi chẳng thấy ích lợi gì từ những đề xuất về việc tước quyền đăng cai World Cup của Nga", Theo Zwanziger, Ủy viên Điều hành FIFA và là cựu Chủ tịch LĐBĐ Đức, nói trên tờ Handelsblatt.
Vụ rơi máy nay MH17 khiến hình ảnh về Nga trên trường quốc tế bị ảnh hưởng. Ảnh: Reuters. |
Liên minh châu Âu (EU) hôm qua thống nhất các biện pháp trừng phạt Nga trong một động thái nhằm củng cố thêm quan điểm cứng rắn với Moscow sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi trên vùng lãnh thổ ly khai ở Đông Ukraine.
Mỹ và EU cáo buộc phiến quân ly khai là thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay dân sự của Malaysia Airlines hôm 17-7, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Họ cũng cho rằng lực lượng này sử dụng hệ thống tên lửa Buk do phía Nga cung cấp để bắn hạ MH17.
VnExpress