.

Xung đột ở Gaza vẫn leo thang

.

23 ngày xung đột giữa Israel với Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã làm hơn 1.200 người chết.

Những người dân ở Gaza đau đớn khi mất người thân.  		           Ảnh: Reuters
Những người dân ở Gaza đau đớn khi mất người thân. Ảnh: Reuters

Ngày 30-7, các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza liên tiếp diễn ra. Nhà nước Do Thái khẳng định lực lượng nước này chỉ nhằm vào các chiến binh Hồi giáo tại hàng chục điểm ven biển.

Reuters cho biết, các xe tăng và những cuộc không kích của Israel đã nhằm vào những ngôi nhà và một trường học ở Jebalya, phía bắc Gaza, làm 43 người chết, nhiều người khác bị thương; riêng ở trường học có 19 người chết. Các cuộc không kích khác cũng cướp đi sinh mạng của 8 người, trong đó có 5 thành viên trong một gia đình ở Jebalya. Các quan chức y tế xác nhận số người Palestine thiệt mạng trong cuộc xung đột lên đến 1.270 người, hầu hết là dân thường, kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ vào ngày 8-7. Về phía Israel, 53 binh sĩ và 3 dân thường thiệt mạng.

UNRWA, Cơ quan LHQ phụ trách người di tản Palestine, cho biết cơ quan này hiện không còn khả năng cứu trợ người dân Gaza. Khoảng 200.000 người đang trú ẩn tại các trung tâm của UNRWA sau khi Israel liên tiếp dội bom xuống Gaza. Các quan chức UNRWA quy trách nhiệm cho Israel và gọi động thái tấn công là “điều đáng xấu hổ”.  

Cũng trong ngày 30-7, nội các an ninh của Israel nhóm họp để bàn thảo các bước tiếp theo. Theo quân đội Israel, lực lượng này cần một tuần để hoàn thành nhiệm vụ phá hủy các đường hầm thâm nhập qua biên giới. Nhà phân tích quân sự Rick Francona, cựu quan chức tình báo Mỹ, cho rằng Tel Aviv sẽ tiếp tục tấn công Gaza cho đến khi phá hủy toàn bộ các đường hầm mà Hamas xây dựng xuyên từ Gaza sang Israel.

Đối mặt với các cuộc tấn công từ Israel, Hamas tuyên bố sẽ không ngừng giao tranh cho đến khi Nhà nước Do Thái và Ai Cập dỡ bỏ việc phong tỏa Gaza. “Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ điều kiện ngừng bắn nào. Không có lệnh ngừng bắn nào có thể chấm dứt sự xâm lược và tình trạng bao vây ở Dải Gaza”, lãnh đạo quân sự Hamas Mohammad Deif nói. Những gì đang diễn ra là cuộc xung đột kéo dài nhất giữa Israel và các chiến binh Hồi giáo Hamas. Năm 2012, cuộc xung đột chỉ kéo dài 8 ngày và năm 2008, giao tranh diễn ra trong 22 ngày.

Điều đáng nói là trong một cuộc thăm dò đối với khoảng 600 người dân Israel do Đại học Tel Aviv thực hiện cho thấy, 97% ủng hộ hoạt động quân sự của nước này. Tuy nhiên, nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về tình hình ở Gaza. Chile và Peru triệu hồi các đại sứ về nước để phản đối chiến dịch của Israel. Trong một tuyên bố ngày 30-7, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng lo lắng về tình trạng bạo lực leo thang.

Trong khi đó, Ai Cập đang đề xuất sửa đổi thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện, thỏa thuận vốn được Israel chấp thuận nhưng bị Hamas bác bỏ. Chính phủ của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng lên tiếng ủng hộ ngừng bắn trong 24-72 giờ. Theo Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Abed Rabbo, Hamas và Jihad - hai nhóm chiến binh chính ở Gaza - “sẵn sàng ngừng bắn và chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo trong 24 giờ”. Một phái đoàn Palestine do Tổng thống Abbas dẫn đầu sẽ đến thủ đô Cairo của Ai Cập.

Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn Hội đồng Bảo an LHQ đều kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, mở đường cho các nhân viên cứu trợ tiếp cận 1,8 triệu người Palestine ở Gaza. Tuy nhiên, những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào cuối tuần qua đã thất bại, bạo lực vẫn leo thang và phủ bóng đen lên lễ hội Eid al-Fitr của người Hồi giáo.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.