Hiện tại, để mở rộng ảnh hưởng của lệnh cấm vận lên Nga, theo tờ Nhật báo phố Wall, các quan chức ngoại giao Mỹ đã gặp quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore để tìm kiếm sự ủng hộ đối với việc trừng phạt Nga.
Những cuộc gặp tương tự cũng diễn ra ở Nhật. Thế nhưng đến nay, kết quả của chiến dịch vận động này là không nhiều.
Ngoại trừ Nhật Bản thì Trung Quốc đang án binh bất động. Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của Nga, đồng thời hai nước cũng vừa ký thỏa thuận cung cấp khí đốt trị giá đến 400 tỉ USD. Trung tâm tài chính Hong Kong bị chi phối bởi quyết định của Chính phủ Trung Quốc.
Ngoài ra, Singapore sẽ chỉ thực thi các biện pháp trừng phạt Nga một khi chúng được Liên Hiệp Quốc thông qua. Tuy nhiên, đây là điều gần như không tưởng bởi Nga có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh đó, Ấn Độ đang là nước mua nhiều vũ khí của Nga. Các nhà lãnh đạo của Australia và Hàn Quốc cũng không cam kết cấm vận Nga.
Sức ép là thứ mà các nhà lãnh đạo phương Tây muốn gia tăng lên Chính quyền Tổng thống Putin. Ngược lại, họ cũng muốn hạn chế tối thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế của mình.
Trong vòng 10 ngày qua, các đại sứ châu Âu đã phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng các nước châu Âu sẽ cùng chia sẻ thiệt hại.
Trung tâm tài chính London sẽ mất phần từ Nga. Đức chiếm thị phần lớn nhất về xuất khẩu các thiết bị công nghệ cao vào Nga trong khi Pháp sẽ mất một thị phần lớn với lệnh cấm xuất vũ khí vào Nga.
Nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung còn đang chật vật phục hồi yếu ớt liệu có chịu được tác động ngược từ các biện pháp trừng phạt Nga hay không? Điều này rất khó nói. Thế nhưng, phương Tây rất có thể sẽ chấp nhận phải cắn răng chịu đau với các lệnh trừng phạt kinh tế này.
VTV