.
Thế giới tuần qua

Lửa vẫn ngút ngàn ở "chảo lửa"

.

Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc vào năm 1945 đến nay, người ta ví khu vực Trung Đông là “chảo lửa”. Bởi lẽ, gần 70 năm qua, ở vùng đất này không hề im tiếng súng, không ngưng các cuộc giết hại tàn bạo do các cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh biên giới, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo… gây ra.

Những người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Israel ở Santiago (Chile) bày tỏ phản đối các chiến dịch của Tel Aviv ở Dải Gaza.  				                 Ảnh: AFP
Những người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Israel ở Santiago (Chile) bày tỏ phản đối các chiến dịch của Tel Aviv ở Dải Gaza. Ảnh: AFP

Đặc biệt, cuộc xung đột vũ trang Palestine - Israel đã trở thành tiêu điểm triền miên trên diễn đàn LHQ, trong các chương trình nghị sự quốc tế lớn, thậm chí là chủ đề tranh cử của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Ngay Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama cũng đã quyết tâm kiến tạo nền hòa bình bền vững cho khu vực Trung Đông qua thông điệp từ Cairo (Ai Cập) ngay trong chuyến xuất ngoại đầu tiên sau khi đắc cử Tổng thống, trong đó có việc chấm dứt cuộc xung đột vũ trang Palestine - Israel, để người Palestine trở về vùng đất của mình và thành lập một Nhà nước độc lập cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước Do Thái.

Thế nhưng, mọi nỗ lực của Mỹ, đồng minh số một của Israel, vẫn không xoay chuyển được tình hình. Trái lại, Tel Aviv đang đẩy cuộc xung đột vũ trang Palestine - Israel (đỉnh điểm hiện nay là ở Dải Gaza) lên nấc thang cao nhất. Vòng xoáy bạo lực trong mấy tuần qua và những sự kiện bi thảm tiếp tục diễn ra. Nhiều phương tiện truyền thông của phương Tây đặt câu hỏi: Phải chăng vấn đề Trung Đông là một thất bại lớn của Tổng thống Mỹ Obama?

Báo Libération (Pháp) số ra gần đây cho rằng, dường như Mỹ “hơi thiếu kiên nhẫn” và “thật sự bực tức” trước thái độ cố chấp của cả Hamas lẫn Israel, bởi nỗ lực ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry suốt một tuần vẫn không mang lại kết quả gì. Nhật báo này cũng nhận định: Cuộc khủng hoảng hiện nay thật sự là thách thức cá nhân đối với Tổng thống Obama, vì ông đã không làm vấn đề Trung Đông tiến triển được sau 6 năm nắm quyền tại Nhà Trắng.

Trong khi đó, theo một nhà ngoại giao của LHQ: “Cuộc khủng hoảng Israel - Palestine là thất bại lớn nhất về chính sách ngoại giao của ông Obama. Hiện nay, ông Obama còn một ít thời gian để có thể gây ảnh hưởng đối với xung đột này. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của ông cũng bị giới hạn, vì ông không có mối quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và sự việc càng ngày càng diễn biến phức tạp trên Dải Gaza”.

Bài xã luận đăng trên tờ Le Monde (Pháp) số ra ngày 1-8 nhận thấy Mỹ tiếp tục ủng hộ Israel, nhưng ngày càng bị chia rẽ sau các vụ ném bom của Israel vào Dải Gaza từ ngày 8-7 đến nay làm gần 2.000 thường dân vô tội thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương. Cũng theo tờ Le Monde, hình ảnh những nạn nhân Palestine, đặc biệt là 4 trẻ em bị trúng tên lửa khi đang chơi trên bãi biển, đã làm tiêu tan sự ủng hộ mà người Mỹ vốn dành cho Israel.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta thấy có một nghịch lý đang diễn ra khi hành động của Israel làm thường dân Palestine thiệt mạng, gây làn sóng phản đối mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, nhưng cũng không ít quốc gia khác thờ ơ, vô cảm. Trong những ngày cuối cùng của tuần lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, Israel đã tổ chức không kích, ném bom liên hồi trên Dải Gaza. Người dân Palestine tại Dải Gaza thảng thốt gọi đó ngày lễ kết thúc mùa chay Ramadan đẫm máu. Thế nhưng, khi Bộ trưởng Tư pháp Palestine đệ trình lên Tòa án Hình sự quốc tế cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh chống lại loài người, thì Pháp cùng 17 quốc gia châu Âu khác đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết của LHQ yêu cầu tôn trọng luật quốc tế trên các lãnh thổ Palestine đang bị chiếm đóng. Nỗi đau của người dân Palestine như càng nhân lên gấp bội, bởi những người gây ra cái chết của gần 2.000 đồng bào mình trong mấy tuần qua đã không bị lên án.

Cách hành xử đó như là một tín hiệu tiếp tay cho tội ác, như đổ thêm dầu vào lửa, làm “chảo lửa” ở khu vực Trung Đông càng trở nên nóng bỏng.

Ngày 3-8, một trường học của LHQ ở thị trấn Rafah, phía nam Dải Gaza - nơi có khoảng 3.000 người tị nạn trú ẩn, dường như lại là mục tiêu của một vụ không kích từ Israel. Quan chức y tế Gaza Ashraf al-Kidra cho biết, có ít nhất 10 người chết và 35 người khác bị thương chỉ trong ngày 3-8. AP dẫn lời theo các nhân chứng nói rằng, vụ không kích diễn ra trong lúc những người tị nạn xếp hàng chờ nhận lương thực. Trước đó, vụ không kích của Israel nhằm vào một trường học của LHQ ở Dải Gaza đã bị LHQ và cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Cũng trong ngày 3-8, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond yêu cầu phải ngừng bắn vô điều kiện để giải quyết “tình hình không thể chấp nhận được” ở Gaza, đồng thời cho biết người dân nước ông quan ngại sâu sắc về những gì đang diễn ra tại khu vực này. “Chúng ta phải ngăn chặn việc bắn giết ở Gaza”, ông Philip Hammond phát biểu với tờ Sunday Telegraph.

BÌNH YÊN

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.