.

Qatar là nhà tài trợ chính cho IS?

.

Giới chức phương Tây đã theo dõi các chuyến bay chở vũ khí của Qatar khi hạ cánh xuống thành phố Misrata, cách thủ đô Tripoli của Lybia khoảng 100 dặm về phía đông. Đây cũng là nơi đặt đồn lũy của nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan. Ngay cả sau khi chính quyền Libya bị lật đổ, Qatar “vẫn hạ cánh trực tiếp các chuyến bay chở vũ khí xuống sân bay Misrata”. Đó là khẳng định của một quan chức cấp cao phương Tây.

Sự thật này hiển nhiên tới mức nó không làm nhiều người ở Trung Đông ngạc nhiên. Từ phong trào Hamas ở Dải Gaza tới phong trào vũ trang tại Syria, vai trò “nhà tài trợ chính” của Qatar với các nhóm Hồi giáo cực đoan tàn bạo, kể cả các nhóm có dính dáng tới Al-Qaeda, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã rất rõ ràng trong mắt giới ngoại giao và các chuyên gia.

Riêng trường hợp Syria, Qatar từng tài trợ cho lực lượng nổi dậy ở đây chống lại chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Nước này cũng đã chủ động dành nguồn tài chính và vũ khí cho các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan, điển hình là nhóm phiến quân tự xưng Ahrar al-Sham (Những người tự do Syria).

Vượt xa ý nghĩa là một lực lượng trung lập, nhóm Ahrar al-Sham đóng vai trò chủ chốt trong việc biến một phong trào chống ông Assad thành phong trào nổi dậy của nhóm Hồi giáo cực đoan.

Tháng 12 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định rõ: Abdul Rahman al-Nuaimi, một học giả kiêm doanh nhân người Qatar là một “tên khủng bố toàn cầu”. Theo đó, Mỹ buộc tội ông này đã gửi gần 366.000 bảng Anh cho “người đại diện của Al-Qaeda tại Syria” có tên Abu Khalid al-Suri. Nhưng thực chất, Suri cũng là một chỉ huy cấp cao của nhóm Ahrar al-Sham.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ còn cáo buộc ông Abdul Rahman al-Nuaimi đã chuyển khoảng 2 triệu USD/tháng cho “Al-Qaeda ở Iraq” và 250.000 USD cho al-Shabaab, một nhánh của phong trào này tại Somalia. Tuy nhiên, Nuaimi phản đối cáo buộc này và cho rằng, ông bị buộc tội vì những chỉ trích về chính sách của Mỹ.

Chưa có chứng cứ rõ ràng về sự hỗ trợ hào phóng nào trực tiếp của Qatar cho phiến quân Hồi giáo cực đoan. Song, tháng trước, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Đức Gerd Müller đã ám chỉ sự dính líu của Qatar trong cuộc nổi dậy của IS. Ông nói: “Bạn phải đặt câu hỏi ai đang trang bị vũ khí, ai đang hỗ trợ tài chính cho các nhóm quân IS. Mấu chốt ở đây là Qatar”.

TRẦN ĐẮC LUÂN (Theo Telegragh)
 

;
.
.
.
.
.