.

Trung tâm Hong Kong hỗn loạn vì biểu tình

.

Phong trào “Occupy central with love and peace” (Chiếm giữ trung tâm với tình yêu và hòa bình” tiếp tục làm Hong Kong rơi vào tình trạng hỗn loạn. Đây là vụ bạo động nghiêm trọng nhất kể từ khi Hong Kong được trao về với Trung Quốc vào năm 1997.

Cảnh sát dùng hơi cay để đối phó với những người biểu tình. Ảnh: AP
Cảnh sát dùng hơi cay để đối phó với những người biểu tình. Ảnh: AP

Sáng 29-9, cảnh sát Hong Kong tiếp tục dùng hơi cay và gậy giải tán người biểu tình. Tuy nhiên, cảnh sát không thể giải tán nổi đám đông hàng chục ngàn người tràn vào trung tâm đặc khu hành chính từ chiều trước đó. Họ cắm trại qua đêm và nằm la liệt trên các tuyến phố. Một số người biểu tình còn dựng các chướng ngại vật để ngăn cản lực lượng an ninh. Hơn nữa, việc cảnh sát dùng bạo lực để đối phó càng làm những người biểu tình tức giận.

Các trường học và ngân hàng như HSBC, Citigroup, Ngân hàng Trung Quốc… đều tạm đóng cửa. Hơn 200 tuyến xe buýt phải ngừng hoặc thay đổi lộ trình. Mạng tàu điện ở một số khu vực trung tâm Hong Kong tạm ngừng phục vụ. Nhân viên văn phòng phải đi tàu điện ngầm thay xe buýt… Toàn bộ Hong Kong  tiếp tục rơi vào cảnh tê liệt.

Reuters cho biết, biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ tuần vừa qua nhằm phản đối các quy định mới về quá trình bầu cử người đứng đầu đặc khu theo danh sách do chính phủ Bắc Kinh thông qua trước. Quy định mới sẽ được áp dụng từ năm 2017. Tuy nhiên, điều này trái với mô hình “một quốc gia, hai chế độ” của Hong Kong khi lãnh thổ này trở về với Trung Quốc. Từ đó làm dấy lên các cuộc biểu tình của hàng chục ngàn người, hầu hết là sinh viên, yêu cầu Bắc Kinh trao cho họ đầy đủ quyền dân chủ, trong đó có quyền tự do bầu chọn ứng viên lãnh đạo đặc khu.

Các nhà tổ chức nói rằng, có khoảng 80.000 người xuống đường từ đêm 26-9. Tuy nhiên, không có cơ quan hay tổ chức độc lập nào đưa ra con số chính xác.

Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh kêu gọi người dân bình tĩnh và những người tham gia phong trào “Chiếm giữ trung tâm” giải tán trong hòa bình. Ông Lương Chấn Anh cũng kêu gọi những người tổ chức phong trào này cân nhắc tới lợi ích của toàn xã hội. “Sự phát triển ổn định của Hong Kong lâu nay phụ thuộc vào tinh thần hòa bình và tuân thủ luật pháp của mọi người. Chúng tôi không muốn Hong Kong hỗn loạn và cũng không muốn cuộc sống thường nhật của người dân bị ảnh hưởng”, ông Lương Chấn Anh nói. Song, các nhà lập pháp và cả những người biểu tình đang gia tăng áp lực đòi ông từ chức.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết, người dân hòn đảo này đang theo dõi sát sao cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ông hy vọng Trung Quốc và Hong Kong tìm được giải pháp. “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ xung đột nào”, nhà lãnh đạo này nói.

Trả lời phỏng vấn kênh Al Jazeera, ông Mã Anh Cửu còn cho rằng, tình hình ở Hong Kong sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của thế giới về Trung Quốc. Ông cũng khẳng định không chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh đi theo con đường “một quốc gia, hai chế độ”, giống như Trung Quốc đang áp dụng đối với Hong Kong.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.