Ngày 24-9 vừa qua, 3 người Pháp từng tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tự đến nộp mình tại trạm cảnh sát ở một ngôi làng đông nam nước Pháp. Giã từ vũ khí, họ muốn được hồi hương. Nhưng sự trở về này liệu có dễ dàng?
Lực lượng an ninh Pháp dẫn giải một trong 3 người lính trốn khỏi IS trở về quốc gia châu Âu này. Ảnh: AFP |
Cả ba người Pháp nói trên đều rất “quen” với các lực lượng tình báo của quốc gia này. Đó là Abdelouahab el-Baghdadi, anh rể của Mohamed Merah - tên tội phạm đã xả súng giết chết 7 người trong hai vụ tấn công năm 2012 tại Toulouse; Imad Jjebali, người bạn lúc nhỏ của Merah và Gael Maurize - kẻ vốn được cho là liên quan đến lực lượng khủng bố.
Ngay sau khi tự thú, Baghdadi, Jjebali và Maurize bị bắt giam, sau đó được chuyển đến trụ sở cơ quan tình báo Pháp ở vùng Levallois-Perret, ngoại ô Paris. Cả ba sẽ phải ra tòa và bị điều tra theo tội danh “cấu kết phạm tội với tổ chức khủng bố”. Sau đó, họ có thể bị tạm giam vô thời hạn hoặc bị quản thúc.
Theo luật sư Martin Pradel, người đại diện cho các cựu binh từ Iraq và Syria trở về Pháp, “trong 99% các trường hợp, họ sẽ bị tạm giam vô thời hạn”.
Wassim Nasr, chuyên gia về các nhóm chiến binh thánh chiến của tờ France24 lý giải: “Những người Pháp trẻ tuổi này ra đi nhằm xây dựng một quốc gia tôn giáo - mục đích vốn không có gì sai trái. Họ không đi để chặt đầu, ngoại trừ rất ít trường hợp”. Tuy nhiên, cũng theo lời các luật sư, khi tới thực địa, các chiến binh trẻ tuổi mới nhận ra họ đã bị lạm dụng. Họ kinh hoàng trước sự cuồng tín, tội ác và các hình thức tra tấn. Luật sư Christian Etelin nói: “Baghdadi và hai người chạy trốn cùng anh cho biết, họ đã trải qua nỗi rùng rợn ở Syria và vì thế tìm mọi cách để trốn chạy”.
Và còn một điều nữa: một số người trong họ còn quá trẻ, không thể bỏ ngoài tai những lời cầu xin của bố mẹ muốn họ trở về. Bộ Nội vụ Pháp ước tính có khoảng 180 người trong số 930 người Pháp đăng lính tại Syria và Iraq đã trở về.
Tuy nhiên, hành trình hồi hương với các chiến binh tại Syria và Iraq không đơn giản. Ngoài nỗi lo sợ bị trả thù, không ít người lo lắng không biết bạn bè, người thân sẽ tiếp đón họ ra sao. Luật sư Pradel nói: “Khi đã rời bỏ IS, họ không thể trở về vì họ hiểu mình bị coi là kẻ phản bội. Điều duy nhất họ có thể hy vọng chỉ là cái chết”.
Theo các luật sư của Baghdadi, Jjebali và Maurize, có lần Jjebali và Maurize bỏ trốn nhưng bị IS bắt lại, chúng giam hai người này từ tháng 2 đến tháng 3-2013 vì nghi là điệp viên của Pháp.
Các luật sư cũng cho rằng, dường như các nhà chức trách trong nước vẫn chỉ xem những người trở về là thành phần thừa của xã hội. Luật sư Pradel nhấn mạnh: Với những người đã tự thú, họ thực sự bị tổn thương rất nhiều và họ cần sự trợ giúp về tâm lý.
IS có thể phạm tội ác chiến tranh Tuy có những quan điểm cho rằng, cần có cái nhìn khoan dung đối với những người từng là thành viên IS muốn hồi hương, nhưng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố ngày 2-10, IS có thể đã phạm tội ác chiến tranh. Theo LHQ, IS đã thực hiện những vụ hành quyết hàng loạt, bắt cóc phụ nữ và trẻ em làm nô lệ tình dục, sử dụng trẻ em làm các chiến binh. Những hành động này là tội ác chiến tranh. Báo cáo của LHQ dựa vào thông tin từ 500 cuộc phỏng vấn. Theo đó, báo cáo cho rằng, các cuộc không kích nhằm vào các chiến binh Hồi giáo Sunni đã làm dân thường thiệt mạng; đồng thời, việc không kích nhằm vào những ngôi làng, trường học và bệnh viện là động thái vi phạm luật quốc tế. |
TRẦN ĐẮC LUÂN