.

Nga "tẩy chay" hội nghị an ninh hạt nhân

.

Nga tuyên bố không tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ tư diễn ra ở Chicago (Mỹ) năm 2016. Đây là dấu hiệu mới nhất minh chứng mối quan hệ đang giá băng giữa Washington và Mátxcơva.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Hà Lan, tháng 3-2014.				Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Hà Lan, tháng 3-2014. Ảnh: Reuters

Lý giải về việc “tẩy chay” Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Nga bày tỏ sự hoài nghi về giá trị của hội nghị và cho rằng, quan điểm của những nước vốn không đồng ý kiến với các nhà tổ chức sẽ bị phớt lờ. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, 3 hội nghị trước đó đã hoàn thành các mục tiêu nên hội nghị lần thứ tư sẽ giảm giá trị và dường như trở thành “diễn đàn” của Mỹ.

AP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Mỹ cùng Hà Lan, Hàn Quốc đã chủ trì 3 hội nghị trước đó; và việc những nước này đóng vai trò chính trong việc chuẩn bị văn kiện cho lần nhóm họp tới là điều không công bằng.

Lý do mà Điện Kremlin đưa ra còn là tình trạng căng thẳng chính trị giữa Washington và Mátxcơva liên quan đến cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine. Thay vào đó, Mátxcơva sẽ tập trung vào một hội nghị tương tự cũng diễn ra trong năm 2016, do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức.  
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki xác nhận thông tin Nga sẽ vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.

Theo Reuters, sự kiện này nhằm thúc đẩy an ninh hạt nhân trên khắp thế giới, với sự tham dự của hơn 50 nước, trong đó có các “ông lớn” như: Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh…

Vài ngày trước, các quan chức Mỹ bày tỏ việc lấy làm tiếc khi Nga quyết định không tham dự các cuộc họp trù bị cho sự kiện nói trên diễn ra vào tuần qua. Song, Washington không tiết lộ việc Nga “tẩy chay” hội nghị chính, với mong muốn Mátxcơva sẽ thay đổi quyết định và “cánh cửa đối thoại luôn mở”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, giữa tháng 10 vừa qua, cơ quan này đã thông báo với Mỹ về quyết định của Mátxcơva.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân gần đây nhất diễn ra ở The Hague (Hà Lan) hồi tháng 3. Lúc đó, Mỹ và Nga đã gạt bỏ những bất đồng xung quanh vấn đề Crimea để đưa ra một tuyên bố chung. Thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Nga đang “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” do hàng loạt vấn đề, trong đó cuộc khủng hoảng ở Ukraine đẩy căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm.

Việc bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga và cuộc bầu cử ở đông Ukraine mới đây khiến Mỹ cùng các đồng minh châu Âu không vừa lòng. Đó là chưa kể việc Nga bị cáo buộc ủng hộ quân sự cho lực lượng ly khai ở đông Ukraine và cấp tị nạn cho cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden - một “kẻ tội đồ” của Mỹ.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Jen Psaki rằng, Mỹ sẽ tìm kiếm sự hợp tác với Nga trong những vấn đề an ninh hạt nhân và không phổ biến hạt nhân. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tìm giải pháp đối với chương trình hạt nhân của Iran, vũ khí hóa học ở Syria nên việc Nga không có mặt tại một cuộc họp thượng đỉnh an ninh hạt nhân sẽ là điều bất lợi cho kế hoạch của Washington.

Các nhà quan sát cho rằng, Nga là một trong những cường quốc sở hữu kho hạt nhân lớn nên nước này rất quan trọng tại hội nghị ở Chicago vào năm tới. Nếu Nga vắng mặt, các nước khác có thể hoài nghi về sáng kiến do Tổng thống Obama khởi xướng nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và nguyên liệu phóng xạ, đồng thời phản đối việc tăng cường giám sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của mình.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.