Suốt 10 năm qua, vấn đề hạt nhân của Iran đã trở thành tâm điểm của thế giới, nhất là Mỹ và các nước phương Tây, coi đó như cái gai cần phải nhổ để ngăn chặn quốc gia này phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoài việc gây áp lực về chính trị, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc nhằm vào Iran để buộc Tehran phải lùi bước.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (giữa) đến Vienna (Áo) để tham gia đàm phán. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, Iran quyết không nhượng bộ, mà coi việc “phát triển chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm mục đích hòa bình” là quyền của một quốc gia có chủ quyền.
Thế giằng co cứ kéo dài, dù các bên liên quan đã trải qua hàng trăm cuộc đàm phán ở cấp cao, cả song phương lẫn đa phương. Một chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân nhận xét: Sau 10 năm giậm chân tại chỗ vấn đề hạt nhân của Iran, “mọi người đều thua cuộc. Lệnh trừng phạt khiến Tehran mất hơn 150 tỷ euro, còn phương Tây vẫn không ngăn chặn được khả năng làm giàu uranium của Iran, trong đó số lượng lò phản ứng hạt nhân đã tăng gấp trăm lần”.
Dấu hiệu vấn đề hạt nhân của Iran được mở ra khi ông Hassan Rouhani đắc cử tổng thống nước này vào tháng 5-2013. Ông Rouhani đã phát đi tín hiệu hòa hoãn với Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời cam kết giải quyết thỏa đáng vấn đề hạt nhân.
Cuộc đàm phán nhóm “5+1”, gồm 5 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và Đức với Iran đã thật sự có bước đột phá. Thỏa thuận tạm thời Genève được các bên thông qua vào ngày 24-11-2013 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Theo đó, Iran không được làm giàu uranium; đổi lại sẽ được nới lỏng lệnh trừng phạt cấm vận và giảm một số hạn chế thương mại.
Để đạt được một thỏa thuận chính thức, các bên cần 1 năm đàm phán nhằm giải quyết các bất đồng còn lại. Tại Vienna (Áo), trong 7 ngày (từ ngày 18 đến 24-11) diễn ra vòng đàm phán cuối cùng giữa Iran với nhóm 5+1.
Một trong những trở ngại là kế hoạch làm giàu uranium của Iran. Mỹ và phương Tây buộc Tehran giới hạn tối đa kế hoạch này; trong khi nước Cộng hòa Hồi giáo nói rằng, mục tiêu làm giàu uranium là phục vụ hòa bình và khoa học, chứ không chế tạo vũ khí hạt nhân.
Bình luận về sự kiện này, nhật báo Le Monde của Pháp đăng tải bài viết “Một tuần để quyết định vấn đề nguyên tử tại Iran” phân tích những điều kiện của cuộc gặp gỡ lần này. Báo Le Monde cho rằng, dù còn bất đồng, ngờ vực và lo ngại giữa hai bên nhưng chưa bao giờ các cuộc đàm phán lại chạm gần tới đích như hiện nay. Một chuyên gia nắm rõ hồ sơ nhận xét: Cuộc đàm phán lần này chưa từng có trong biên sử ngành ngoại giao, vừa xét về tính phức tạp, vừa xét về số bên liên quan cũng như là về tầm chiến lược.
Hiện nay, mỗi bên đều biết thời gian càng trôi, thỏa thuận càng khó đạt được. Tổng thống Rouhani cần bản thỏa thuận để củng cố quyền lực của mình và nới lỏng trừng phạt kinh tế. Về phần mình, các nước phương Tây hiểu rằng, chương trình hạt nhân của Iran càng phát triển thì càng khó kìm lại. Ngoài ra, việc Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế sẽ nhậm chức sắp tới đây cũng có thể làm suy yếu quyền hành của Tổng thống Barack Obama.
Bởi vậy, thành công của đàm phán sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Iran và phương Tây lớn nhất trong 35 năm nay. Thất bại có nghĩa là việc Iran sẽ tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân, thậm chí có hành động chính trị. Như vậy, chỉ có 7 ngày để các bên liên quan hóa giải một vấn đề gai góc, nhằm định hình sự phát triển hạt nhân của Iran có sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế. Dư luận đang chờ xem vấn đề hạt nhân của Iran sẽ thành công hay thất bại tại cuộc đàm phán lần này ở Vienna.
TUYẾT MINH