.
Bầu cử Quốc hội Nhật Bản

Cơ hội cho Thủ tướng Shinzo Abe

.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm là cơ hội để Thủ tướng Nhật Bản Shinzo tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế, trong đó có chương trình “Abenomics” gây nhiều tranh cãi.

Thủ tướng Shinzo Abe muốn tiếp tục theo đuổi các chính sách cải cách kinh tế. Ảnh: AP
Thủ tướng Shinzo Abe muốn tiếp tục theo đuổi các chính sách cải cách kinh tế. Ảnh: AP

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 14-12 được xem là phép thử đối với Thủ tướng Abe trong lúc uy tín dành cho ông cũng như đảng cầm quyền giảm sút và nền kinh tế của Nhật rơi vào suy thoái.

Theo đó, bầu cử sớm so với kế hoạch 2 năm dẫu là “canh bạc được ăn cả, ngã về không” đối với Thủ tướng Abe nhưng là cách duy nhất để thay đổi tình hình hiện tại, để ông có cơ hội khôi phục niềm tin của cử tri và theo đuổi các chính sách cải cách kinh tế, cũng như tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân vốn bị đóng cửa sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Hơn nữa, với chiến thắng của Đảng Dân chủ tự do (LDP), Thủ tướng Abe sẽ dễ dàng hơn trong việc tranh cử chức lãnh đạo đảng này vào tháng 9-2015, thúc đẩy cơ hội ông nắm quyền đến năm 2018 và trở thành một trong những nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Nhật Bản.

Khi cuộc bầu cử sớm chưa diễn ra, các thăm dò đều cho thấy LDP cùng đối tác liên minh (Đảng Công minh mới) sẽ dễ dàng giành chiến thắng, chiếm 2/3 số ghế trong Quốc hội và tiếp tục nắm quyền. Theo AP, 1.191 ứng cử viên chạy đua vào 475 ghế tại Hạ viện, giảm so với 480 ghế của nhiệm kỳ trước. Báo chí Nhật dự đoán LDP giành được hơn 300 ghế và đây sẽ là thắng lợi lớn nhất kể từ khi đảng này được thành lập cách đây 6 thập niên.

Nguyên nhân được cho là hiện chưa có đảng đối lập nào đủ mạnh hơn LDP. Đảng đối lập chính - Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) nắm quyền từ năm 2009-2012 nhưng đã để mất niềm tin nghiêm trọng trong cử tri, nhất là khi đất nước trải qua trận động đất vào tháng 3-2011 kéo theo sóng thần và thảm họa hạt nhân.

Phát biểu với hàng trăm cử tri ở một khu vực tại Tokyo trước khi tiến hành bỏ phiếu, Thủ tướng Abe cho biết, ông đang thúc đẩy chính sách “Abenomics”, các chính sách tạo ra việc làm và tăng lương. “Nước Nhật có thể giàu có hơn”, ông Abe nói.

Thủ tướng Abe cho rằng, chính sách “Abenomics” - 3 “mũi tên kinh tế”, bao gồm: nới lỏng tiền tệ, chi tiêu tài chính quy mô lớn và các cải cách thúc đẩy tăng trưởng, là giải pháp duy nhất để chấm dứt giảm phát và vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, những người chỉ trích lại nhận định chính sách này sau thời gian đầu phát huy hiệu quả thì không những hiện đứng yên mà còn nới rộng khoảng cách giàu - nghèo.

Trong khi đó, theo các nhà phân tích, hai “mũi tên” đầu đã đạt được mục tiêu, cụ thể là đồng yên giảm giá, thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, giá hàng hóa cũng tăng. Song, chính phủ vẫn loay hoay với “mũi tên” thứ ba.

Tháng 11 vừa qua, nhà lãnh đạo Nhật Bản quyết định hoãn việc tăng thuế tiêu thụ lần thứ hai từ 8% lên 10% cho đến tháng 4-2017. Điều này làm dấy lên quan ngại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ kiềm chế nợ công khổng lồ như thế nào, bởi quốc gia này đang gánh món nợ công lớn nhất trong số các nước phát triển.

Nhà khoa học chính trị Iwao Osaka ở Đại học Rikkyo (Tokyo) nhận định: “Vấn đề là sau chiến thắng bầu cử”. Chuyên gia này còn nói thêm rằng, tình hình sẽ không thay đổi, kinh tế sẽ vẫn yếu như trước. Thực tế, đến nay, việc tăng thuế tiêu thụ vẫn gây ra nhiều tranh cãi.

Theo các nhà kinh tế học, chính việc tăng thuế từ 5% lên 8% đã tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng và góp phần ngăn chặn tăng trưởng của Nhật. Bên cạnh đó, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này thấp minh chứng người dân xứ sở hoa anh đào dường như ít mặn mà với cuộc bầu cử sớm này.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.