Quốc tế
Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba, bà Clinton được lợi?
Đây được coi là “món quà chính trị” đầy ý nghĩa đối với bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Bà Clinton đang đứng trước cơ hội trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên là phụ nữ (Ảnh AP) |
Lấy lòng cử tri Mỹ Latin
Theo Reuters, ngay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba, bà Clinton đã lên tiếng ủng hộ ông Obama bởi bà hiểu quyết định này sẽ giúp bà nhận được nhiều sự ủng hộ của các đảng viên Đảng Dân chủ cũng như những cử tri người Mỹ gốc Latin trong cuộc tranh cử chiếc ghế Tổng thống hai năm tới.
Quyết định mà ông Obama dùng quyền Tổng thống tự mình thông qua này được cho là sẽ “dọn đường” cho bà Clinton trở thành Tổng thống tiếp theo của Đảng Dân chủ trong khi lại có thể gây bất đồng sâu sắc trong các thành viên của Đảng Cộng hòa
Trong khi, hai đối thủ nặng ký của Đảng Cộng hòa là Jeb Bush và Marco Rubio công khai chỉ trích Tổng thống Obama vì quyết định “thân” Cuba của ông thì Nghị sỹ bang Kentucky Rand Paul lại ủng hộ việc này.
Phát biểu trên Đài phát thanh Tây Virginia, ông Paul cho rằng chính sách cấm vận kéo dài tới hơn 50 năm của Mỹ đối với Cuba “không mang lại tác dụng gì”.
Ngay lập tức, bà Clinton, người đã từng là Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama, lên tiếng ủng hộ quan điểm này. Bà cho biết, trong cuốn tự truyện “Hard Choices” (tạm dịch là Sự lựa chọn khó khăn) của mình, bà đã viết rằng bà là người lên tiếng thúc giục ông Obama cần phải thay đổi điều này.
Các nghị sỹ Đảng Dân chủ cho rằng, những tuyên bố như trên của bà Clinton sẽ giúp bà “gom phiếu” của các cử tri người Mỹ gốc Latin, nhất là những cử tri trẻ tại bang có tính quyết định như Florida, nơi họ sẽ ủng hộ việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba chứ không cứng nhắc như các bậc cha chú của mình.
Một điều mà cả các nghị sỹ của Đảng Dân chủ cũng như chính bà Hillary Clinton khó có thể bỏ qua, đó là, trong số 1,5 triệu người Mỹ gốc Cuba sinh sống tại Mỹ có tới 80% đang sống tại Florida.
“Tôi nghĩ rằng, việc tuyên bố ủng hộ ông Obama sẽ giúp bà Clinton giành điểm với giới trẻ”, chuyên gia phân tích chiến lược của Đảng Dân chủ Bud Jackson nói.
Một điều khó có thể phủ nhận là chính những người Mỹ Latin giờ đây cũng đang có thiện cảm với bà Clinton.
Một cuộc trưng cầu do Telemundo/NBC News/Wall Street Journal cùng thực hiện ngày 19/12 công bố có tới 61% người Mỹ Latin nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton vào năm 2016, tức là cao hơn tới 11 điểm so với mức thông thường.
Những lợi thế “không thể bỏ qua”
Việc ông Obama quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba còn được cho là sẽ giành được thêm sự ủng hộ của những công ty Mỹ làm việc trong ngành nông nghiệp và khách sạn.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, quyết định này cũng sẽ nhận được tán thưởng của nhiều cổ động viên thể thao Mỹ, những người rất háo hức được xem các vận động viên hàng đầu của Cuba tranh tài với các ngôi sao Mỹ tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ.
“Các tính toán chính trị cần phải tính đến việc mang đến thêm càng nhiều lợi thế cho một ứng cử viên Tổng thống càng tốt”, ông David Yepsen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Công tại Đại học Nam Illinois chia sẻ.
Chính vì thế, bà Clinton cũng khó có thể bỏ qua các số liệu trong cuộc trưng cầu do Reuters/Ipsos tiến hành với hơn 31.000 người lớn tuổi từ tháng 7-10 cho thấy, đa phần trong số họ ủng hộ việc củng cố quan hệ ngoại giao với Cuba.
Theo đó, chỉ có 20% người được hỏi phản đối điều này trong khi có tới 43% ủng hộ và 37% chưa đưa ra quan điểm cụ thể.
Thách thức cũng không hề nhỏ
Ngay cả khi có được nhiều lợi thế như vậy, bà Clinton cũng hiểu rằng, không dễ để có thể trở thành người phụ nữ đầu tiên là Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, để làm được điều này, bà cần vượt qua "cái bóng" của ông Obama |
Thử thách đầu tiên đối với bà Clinton là bà cần phải có một tiếng nói riêng của mình nếu không sẽ dễ bị nhìn nhận là chỉ “là cái bóng” của một vị Tổng thống mà hiện tại tỷ lệ người ủng hộ ông chỉ còn 40%.
Nhận định trên không phải là không có cơ sở bởi ngay khi lên nắm quyền Ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama cũng như về sau, bà Clinton thường chọn cách đứng cùng với Obama hơn là có tiếng nói riêng.
Lần duy nhất bà không làm như vậy là việc bà lên tiếng nghi ngờ quyết định của ông Obama về việc không cấp vũ khí cho phiến quân tại Syria.
Lanhee Chen, một học giả tại viện Hoover và đã từng là cố vấn cho Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012, cho rằng, nếu bà Clinton muốn có một tiếng nói độc lập với chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama, bà phải tránh lên tiếng vào các vấn đề mà bà hoàn toàn có cùng suy nghĩ với ông”.
Tuy nhiên, các đối thủ của bà như ông Jeb Bush và ông Rubio cũng đang gặp phải nhiều vấn đề trong quá trình chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống.
Với việc công khai phản đối chính sách của ông Obama muốn bình thường hóa quan hệ với Cuba, hai Nghị sỹ của Đảng Cộng hòa đang muốn cho thấy mình vẫn kiên định với chính sách bảo thủ của Đảng. Tuy nhiên, điều này có thể khiến nhiều cử tri không cảm thấy hài lòng vì họ cho rằng chính sách của Đảng Cộng hòa đã quá lỗi thời.
“Tôi nghĩ cả ông Rubio và ông Bush đang bị đẩy vào một trò chơi cực kỳ mạo hiểm”, chiến lược gia của Đảng Dân chủ Bob Shrumm người từng tham gia vận động cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry năm 2004 cho biết: “Điều này khiến cử tri nghĩ rằng, Florida hoàn toàn không hiện hữu trong tâm trí họ”.
VOV