Quốc tế

Câu chuyện quốc tế

Vì sao con người ngày càng bận rộn?

07:41, 05/01/2015 (GMT+7)

Thời hiện đại, số giờ làm việc mỗi tuần ngày càng giảm, trang thiết bị máy móc phục vụ sinh hoạt và công việc ngày càng tiện lợi, nhưng rõ ràng con người càng bận rộn hơn.

Nhiều người tập trung ở Quảng trường Thời đại (New York, Mỹ) đón chào năm mới 2015. Ảnh: AP
Nhiều người tập trung ở Quảng trường Thời đại (New York, Mỹ) đón chào năm mới 2015. Ảnh: AP

Tờ The Economist của Mỹ, tình trạng bận rộn hơn một phần do tâm lý và do sự phân tán quá mức quỹ thời gian hữu hạn của mỗi người.

Ngay từ năm 1930, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes đã ước tính, trong tương lai, số giờ làm việc sẽ ngắn đi và thời gian nghỉ ngơi sẽ dài ra. Người lao động sẽ chỉ làm việc khoảng “3 giờ mỗi ngày” và có thể được chọn việc theo ý họ.

Trong tiến trình phát triển kinh tế từ những năm Maynard Keynes đưa ra dự đoán tới nay, nhân loại đã chứng kiến những thành tựu khoa học công nghệ tiến bộ giúp giảm số giờ làm việc đáng kể. Không có lý do gì để nghi ngờ xu hướng tương lai này. Thậm chí, các nhà tâm lý xã hội học từng tỏ ý lo ngại liệu người hiện đại có rảnh rỗi quá không!

Tuy nhiên, thực tế cho thấy họ đang lo quá xa. Bởi bây giờ mọi người đều đang quá bận rộn, thậm chí ngày càng bận rộn hơn. Theo phân tích của tờ The Economist, nguyên nhân đầu tiên phải kể tới chính là vấn đề tâm lý nhìn nhận về thời gian của con người.

Nhìn chung, người dân ở những nước giàu hiện có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, giải trí hơn trước đây. Điều này đặc biệt đúng ở châu Âu. Còn với Mỹ, khoảng thời gian nghỉ ngơi cũng chỉ bắt đầu nhích lên từ năm 1965 khi các cuộc điều tra chính thức về việc sử dụng thời gian được triển khai. Đàn ông Mỹ trung bình làm việc khoảng 12 giờ/tuần, mức giảm đáng kể so với 40 năm trước. Đó là nhờ tác động tổng hợp của việc giảm thời gian đi lại và sự hỗ trợ máy móc giúp tiết kiệm thời gian làm việc.

Với phụ nữ Mỹ, tuy số giờ làm việc được trả công đã tăng dần theo thời gian, nhưng số giờ họ phải dành cho việc giặt giũ, nấu nướng giảm đáng kể nhờ sự ra đời của máy giặt, máy rửa bát, lò vi sóng và nhiều tiện ích hiện đại khác.

Tuy nhiên, vấn đề không phải ở chỗ con người có bao nhiêu thời gian, mà là cách họ nhìn nhận nó.
Kể từ khi các công nhân sản xuất tuân thủ giờ giấc chính xác theo dây chuyền và được trả lương theo giờ, lập tức thời gian được đồng nhất với tiền bạc. Và khi giờ giấc được “quy ra tiền” theo cách đó, người ta luôn thấy lo lắng khi lãng phí thời gian và phải cố tìm cách tiết kiệm cũng như sử dụng thời gian hiệu quả nhất.

Khi các nền kinh tế phát triển và mức thu nhập tăng, thời gian của mỗi người lại càng trở nên có giá hơn. Và cái gì càng có giá thì dường như càng hiếm hơn!

Và cứ thế, tư duy “thời gian là tiền bạc” chi phối mọi hoạt động sống của con người. Nó thúc đẩy họ hối hả hơn, trân quý từng giây phút một. Đó là bình luận của chuyên gia tâm lý xã hội học Harry Triandis thuộc Đại học Illinois.

Theo đà tịnh tiến đó, ở các thành phố rộng lớn hơn, thịnh vượng hơn, mức lương cao hơn đồng thời chi phí sinh hoạt cũng đắt đỏ hơn, giá trị thời gian của con người cũng bị đẩy cao hơn.

Cư dân New York dè xẻn từng phút của họ và đương nhiên cũng vội vã hơn cư dân ở Nairobi (thủ đô của Kenya). Những người cuốc bộ ở London (Anh) cũng sải bước nhanh hơn những người đi bộ ở Lima (Peru).

Nhịp điệu cuộc sống ở những nước giàu cũng nhanh hơn những nước nghèo. Tốc độ nhanh luôn khiến gần như tất thảy mọi người đều cảm thấy vội vã. Đúng như nhà tâm lý học và triết học tiên phong người Mỹ William James đã viết trong kiệt tác Các nguyên tắc tâm lý học năm 1890 của ông: “Cảm giác về thời gian của chúng ta dường như tuân theo luật phản chiếu”.

Khi con người nhìn thời gian ở phương diện tiền bạc, họ thường sẽ tăng cường thái độ dè xẻn thời gian để tối ưu tiền bạc. Người lao động được trả thêm tiền cho những giờ làm thêm tự nguyện. Vì vậy, họ dễ có tâm lý luyến tiếc khi “ăn không ngồi rồi” cũng là vì vậy.

Thực tế, khi tranh thủ thời gian làm việc, mặc dù người ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng rốt cuộc lại không kiếm đủ thời gian để hưởng thụ. Và cứ thế, thời gian lại càng trở nên quý hơn.

Một nghiên cứu của công ty điều tra xã hội Gallup năm 2011 cho thấy, người Mỹ càng kiếm được nhiều tiền lại càng cảm thấy thiếu thời gian. Do đó, kết luận ngắn gọn là bận rộn khiến bạn giàu có nhưng giàu có cũng lại khiến bạn bận rộn hơn. Nhà kinh tế học người Thụy Điển, Staffan Linder, đã nghiên cứu vấn đề này từ năm 1970.

Trên thực tế, đời sống hiện đại với vô số lựa chọn bùng nổ cũng lại càng khiến thời gian trở nên gấp rút hơn. Việc luôn phải đứng trước các lựa chọn: mua gì, ăn gì, xem gì cũng làm tăng cảm giác căng thẳng. Cùng với các tính năng giải trí của mạng Internet luôn làm thỏa mãn mọi tò mò và sở thích mỗi người. Khi có quá nhiều lựa chọn thư giãn để lấp đầy thời gian nghỉ ngơi, hẳn nhiên người ta sẽ mong muốn có thêm thời gian để tận hưởng cho bằng hết!

Và thế là niềm vui cũng sẽ qua rất mau. Tất cả những thứ này đều có tính tương đối. Đúng như Albert Einstein từng nói: “Một giờ ngồi bên cô gái xinh đẹp trên ghế đá công viên vèo qua tựa một phút. Nhưng một phút ngồi bên cái bếp lò nóng rẫy lại dường như cả một tiếng đồng hồ”.

Khả năng thỏa mãn mọi ham muốn tức thì cũng là nhân tố nuôi dưỡng sự thiếu kiên nhẫn. Theo một nghiên cứu điều tra của Google, hơn 1/5 người dùng Internet sẽ tắt luôn một video xem trực tuyến nếu thời gian tải nó lâu hơn 5 giây.

Các công nghệ mới như email và điện thoại thông minh cũng góp phần làm tăng thêm sự vội vã của con người. Các nghi thức giao tiếp email thường khuyên người ta nên trả lời trong vòng 24 giờ đồng hồ và nói chung là càng sớm càng tốt.

Việc phải cùng lúc giải quyết quá nhiều sự vụ từ nhỏ tới lớn dễ khiến người ta cảm thấy không làm tròn bất cứ thứ gì. Đúng như giáo sư tâm lý Elizabeth Dunn của Đại học British Columbia ở Vancouver (Canada) nhận xét: “Đa nhiệm là điều khiến chúng ta cảm thấy áp lực về thời gian. Bất kể người ta làm gì đi nữa, họ vẫn sẽ thấy thoải mái hơn nếu chỉ phải tập trung vào duy nhất một việc”.

TRẦN ĐẮC LUÂN  (Theo The Economist)

.