Quốc tế
Cơ hội cho hòa bình ở Ukraine
Các nhà lãnh đạo phương Tây gọi sáng kiến hòa bình mới do Pháp và Đức đề xuất là cơ hội cuối cùng để chấm dứt xung đột kéo dài 10 tháng qua ở đông Ukraine làm hơn 5.000 người chết.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức. Ảnh: AP |
Theo đó, phương Tây thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin có những giải pháp kiến tạo hòa bình tại đông Ukraine mặc dù nhà lãnh đạo Điện Kremlin khẳng định không muốn chiến tranh với bất kỳ nước nào và Mátxcơva không trực tiếp liên quan đến các cuộc xung đột, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt mà nước ông phải gánh chịu.
Sáng kiến Pháp - Đức dựa trên thỏa thuận Minsk, được ký tại Belarus vào tháng 9 năm ngoái, nhưng có nhiều chi tiết hơn. Chưa rõ sáng kiến của “cặp bài trùng” Pháp - Đức có mang lại hiệu quả không, hay sẽ nhanh chóng “chết” giống như thỏa thuận Minsk. Tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) vào cuối tuần qua, chính Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel cũng không chắc chắn về việc sáng kiến mang đến Kiev và Mátxcơva sẽ thành công. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 7-2 cho rằng, sẽ cần 2 hoặc 3 ngày để biết về số phận của sáng kiến mới này.
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7-2 không mang lại kết quả, ngoài việc các bên cam kết duy trì đàm phán và cùng soạn thảo một văn kiện chung để thực hiện thỏa thuận Minsk. Và một cuộc hội đàm 4 bên (qua điện thoại) giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine vào ngày 8-2 được kỳ vọng tháo gỡ phần nào bế tắc, trước khi bà Merkel có chuyến công du Mỹ.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu gì cho thấy đàm phán sẽ thành công, nhất là khi Tổng thống Ukraine vừa “trưng” các hộ chiếu và thẻ căn cước mà ông gọi là bằng chứng về việc binh sĩ Nga hiện diện sâu bên trong lãnh thổ của nước ông. Hơn nữa, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, bên lề Hội nghị An ninh Munich, đã cảnh báo Nga nên rời khỏi Ukraine khi Washington muốn cung cấp vũ khí cho Kiev để chống lại lực lượng ly khai.
Sức ép đang gia tăng đối với Tổng thống Putin. Việc ông Biden tuyên bố “mất lòng tin của Mỹ đối với Nga và quyết tâm cho Ukraine tự phòng vệ” được cho là có thể làm tình hình càng căng thẳng. Trong khi Pháp và Đức đang “xoa dịu” Nga thì Mỹ lại có tuyên bố thể hiện quan điểm cứng rắn. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: “Nếu không thể đi đến một thỏa hiệp hay một thỏa thuận hòa bình lâu dài, chúng ta biết chắc kịch bản gì sẽ xảy ra. Đó là chiến tranh”. Thực tế, với các quan điểm không thống nhất như hiện nay, “thỏa hiệp” hay “thỏa thuận hòa bình lâu dài” sẽ là điều rất khó đạt được.
Vấn đề đặt ra là giữa Mỹ và châu Âu đang có sự rạn nứt. Thủ tướng Merkel cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chống lại quân ly khai sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng. “Tôi tin rằng, vũ khí không phải là giải pháp mà Ukraine cần”, bà Merkel nói.
Song, sự ôn hòa của Thủ tướng Merkel khiến Mỹ không vừa lòng, bởi Tổng thống Barack Obama đang thiên về hướng cung cấp vũ khí cho Kiev. Sứ mệnh của ông Biden khi đến Munich vào cuối tuần qua là nỗ lực giảm sự khác biệt giữa cường quốc hàng đầu thế giới với châu Âu. Phó Tổng thống Mỹ nói rằng, ông và Tổng thống Obama thống nhất rằng, không hạn chế các nỗ lực để giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình. Tuy nhiên, ý định Mỹ sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Kiev được ông Biden đề cập rõ. Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tại Munich lại phủ nhận việc có sự rạn nứt giữa Washington và các đồng minh châu Âu. Chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 8-2 cũng bác bỏ điều này.
Thực tế, châu Âu đang lo ngại xung đột sẽ leo thang nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine bởi “không có lý do gì để ném thêm vũ khí vào đống lửa đang cháy” - như nhận định của Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard.
VĨNH AN