Jordan đã treo cổ 2 tù nhân Iraq để trả đũa việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thiêu sống phi công Muath al-Kasaesbeh. Cái chết của Kasaesbeh càng đẩy Jordan vào cuộc chiến chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Hình ảnh Muath al-Kasaesbeh bị thiêu sống trong đoạn video do IS công bố. Ảnh: AP |
Trong số 2 tù nhân bị Jordan tử hình vào ngày 4-2 có nữ chiến binh Sajida al-Rishawi mà IS đòi chính phủ Amman trao trả để đổi lấy phi công Muath al-Kasaesbeh; và Ziad al-Karbouly, một người đàn ông cũng mang quốc tịch Iraq, đồng thời là thành viên cấp cao của Al-Qaeda.
Năm 2005, Rishawi từng bị kết án tử hình vì liên quan đến một vụ đánh bom liều chết ở Amman làm 60 người thiệt mạng; còn Karbouly từng bị kết án tử hình vào năm 2008 vì âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào một công dân Jordan ở Iraq.
Việc tử hình 2 tù binh Iraq được Jordan thực hiện tại nhà tù Swaqa, cách thủ đô Amman 70km về phía nam. Đây là phản ứng đầu tiên của chính phủ Jordan ngay sau khi IS công bố đoạn video thiêu sống Kasaesbeh.
Đài truyền hình Jordan cho hay, viên phi công bị giết hại khoảng ngày 3-1 vừa qua và việc trao đổi tù binh như IS yêu cầu trước đó là điều không thể. Thực tế, trong tuần qua, các nhà chức trách Jordan muốn IS cung cấp chứng cứ cho thấy Kasaesbeh còn sống thì mới tiến hành trao đổi tù binh nhưng các chiến binh đã không thực hiện điều này.
Reuters cho biết, cái chết của Kasaesbeh gây chấn động dư luận Jordan. Viên phi công 26 tuổi đã bị IS bắt giữ khi máy bay F-16 của anh rơi ở phía đông bắc Syria vào tháng 12 năm ngoái. Chính phủ và quân đội Jordan đều thề trả đũa với các biện pháp “long trời lở đất”. “Chúng ta sẽ trừng phạt và trả thù tương đương với sự mất mát của người dân Jordan”, phát ngôn viên quân đội Mamdouh al-Ameri nói.
Trong khi đó, nhiều người Jordan tập trung ở quảng trường chính tại Amman, bày tỏ sự tức giận và kêu gọi trả thù cho Kasaesbeh. Tại Karak, quê nhà của Kasaesbeh ở miền nam Jordan, hàng chục người biểu tình tấn công trụ sở chính quyền địa phương vào đêm 3-2, đổ lỗi cho các nhà chức trách đã thất bại trong việc giải cứu con tin cũng như việc nước này tham gia liên minh chống IS.
Anwar al-Tarawneh, vợ của Muath al-Kasaesbeh, đau đớn trước cái chết của chồng. Ảnh: AP |
Như vậy, chỉ trong vòng 8 ngày, IS liên tục hành quyết 3 con tin, trong đó có hai con tin người Nhật Bản và một con tin người Jordan. Quốc vương Jordan Abdullah cắt ngắn chuyến thăm Mỹ để trở về nước.
Phát biểu trên truyền hình, ông chỉ trích việc thiêu sống con tin là một hành động “khủng bố hèn hạ” của “một nhóm lệch lạc, không có quan hệ gì với Hồi giáo”, các chiến binh là những tội phạm đã bóp méo niềm tin vào Hồi giáo; đồng thời kêu gọi người dân Jordan đoàn kết.
Mỹ kịch liệt lên án vụ IS giết hại Kasaesbeh. Các quan chức Washington cho rằng, hành động này sẽ không làm thay đổi được vị trí của Jordan là thành viên trong liên minh quốc tế chống IS. Trước đó, Washington xác nhận việc viện trợ Jordan 3 tỷ USD để bảo đảm công tác an ninh trong vòng 3 năm tới.
Một thành viên khác trong liên minh chống IS, Saudi Arabia, cũng chỉ trích “tư tưởng sai lầm” khi thiêu sống Kasaesbeh và cáo buộc các nhóm chiến binh như IS đã “hủy hoại các giá trị của Hồi giáo”.
Với Nhật Bản, quốc gia có hai công dân vừa bị IS giết hại, cũng bày tỏ cảm giác sốc với sự tàn bạo của IS. Trước Quốc hội Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe tức giận cho rằng, hành động này “không thể tha thứ”. “Nhật Bản sẽ không cúi đầu trước khủng bố. Tôi sẽ thực hiện đầy đủ cam kết chống khủng bố bằng việc hợp tác với cộng đồng quốc tế và mở rộng viện trợ nhân đạo”, ông Abe tái khẳng định.
Theo Reuters, Jordan là đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống IS và đang đối mặt với mối đe dọa từ các chiến binh. Hàng trăm binh sĩ Mỹ cũng hiện diện tại nước này để tham gia huấn luyện, thúc đẩy phòng vệ tại các biên giới Syria và Iraq. Các nhà phân tích cho rằng, với những gì đang diễn ra, Jordan sẽ càng bị cuốn vào chiến dịch chống IS, lực lượng đang chiếm giữ nhiều khu vực ở Iraq và Syria.
Báo New York Times cho biết, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 4-2 tuyên bố rút khỏi liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống IS sau khi có thông tin phi công Jordan Muath al-Kasaesbeh bị lực lượng chiến binh này thiêu sống. Sau khi Kasaesbeh bị IS bắt giữ vào tháng 12 năm ngoái tại Syria, UAE đã ngừng các cuộc không kích bởi lo ngại các phi công quốc gia này cũng sẽ có số phận tương tự. UAE muốn Mỹ thúc đẩy các nỗ lực tìm kiếm và giải cứu, trong đó có việc sử dụng máy bay V-22 Osprey ở phía bắc Iraq. Theo đó. các phi công của UAE sẽ không trở lại với chiến dịch chống IS cho đến khi V-22 Osprey được triển khai ở phía bắc Iraq. |
PHÚC NGUYÊN