Quốc tế
Thỏa thuận hòa bình lại gây tranh cãi
Nga nhìn nhận phương Tây thiếu thiện chí đối với thỏa thuận hòa bình Minsk. Còn Mỹ cho rằng, Nga không trung thực về vấn đề Ukraine.
Một người dân vẽ cờ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, khu vực này đòi ly khai với Ukraine. Ảnh: AFP |
Các tranh cãi vẫn dấy lên mặc dù thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã có hiệu lực. AP cho biết, ngày 26-2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng, yêu cầu của Ukraine về việc ngừng bắn toàn diện là điều vô lý; đồng thời Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra những đòi hỏi quá đáng trong việc thực thi lệnh ngừng bắn. “Mọi người đều hiểu không có một thỏa thuận hòa bình hoàn hảo, không có một lệnh ngừng bắn hoàn hảo”, ông Lavrov nói.
Ngày 25-2 là ngày đầu tiên kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 10 ngày trước đó không có người chết. Kiev vốn tuyên bố sẽ không rút vũ khí hạng nặng ở vùng chiến sự cho đến khi lực lượng ly khai tuân thủ hoàn toàn lệnh ngừng bắn. Ngày 26-2, người phát ngôn quân đội Ukraine Anatoliy Stelmakh cho biết, ít có tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn trong đêm trước đó; riêng tiếng đạn pháo vẫn vang lên ở làng Pisky, ngoại ô Donetsk, thành phố lớn nhất do quân ly khai nắm giữ.
Ông Stelmakh tái khẳng định phía Ukraine sẽ không rút vũ khí hạng nặng theo thỏa thuận hòa bình cho đến khi nào các cuộc tấn công ngừng hẳn. Tuy nhiên, Reuters dẫn một nguồn tin quân sự cho hay, quân chính phủ Ukraine đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến, một động thái nhằm duy trì thỏa thuận Minsk.
Trong khi đó, Reuters cũng dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo việc Mỹ và châu Âu đe dọa áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của lực lượng đối lập với phương Tây trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk. “Mỹ và EU đang âm mưu khuấy động tâm lý kích động nhằm đánh lạc hướng chú ý đối với việc cần thiết tuân thủ thỏa thuận Minsk”, ông Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Mátxcơva.
Theo nhà ngoại giao này, Nga xem những đe dọa của phương Tây là bằng chứng cho thấy Mỹ và châu Âu không hợp tác để bảo đảm sự thành công của thỏa thuận hòa bình. Các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cùng Pháp đề xuất sáng kiến hòa bình, tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga nếu cần thiết. Song, bà Merkel hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Về phía Mỹ, phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng, Nga và lực lượng ly khai không đáp ứng các yêu cầu của lệnh ngừng bắn. Ông chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin đã đặt ra các chính sách “vi phạm quy định quốc tế về chủ quyền lãnh thổ” và cảnh báo Mátxcơva sẽ đối mặt thêm các biện pháp trừng phạt. Còn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng bày tỏ quan ngại khi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình PBS với việc cho rằng, Mátxcơva không trung thực về vấn đề Ukraine.
Theo giới quan sát, phương Tây vẫn hy vọng tìm ra một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột kéo dài 10 tháng qua ở đông Ukraine. Tuy nhiên, có quá nhiều nghi ngại phía sau thỏa thuận hòa bình Minsk, nhất là khi lực lượng ly khai đang quyết tâm đánh chiếm thành phố cảng Mariupol, nơi có khoảng 500.000 người sinh sống và hiện trong sự kiểm soát của chính phủ Kiev. Nếu Mariupol thất thủ thì cục diện có thể có nhiều thay đổi.
Chưa rõ tình hình có được cải thiện hơn sau khi lực lượng ly khai đã rút một số đoàn xe chở vũ khí hạng nặng ra xa khu vực giao tranh nhưng “khẩu chiến” vẫn diễn ra và các bên tỏ ra hoài nghi về thiện chí của nhau. Đến lúc này, có thể khẳng định lệnh ngừng bắn vẫn chưa giúp chấm dứt hoàn toàn giao tranh ở miền đông Ukraine.
Sergei Kupriyanov, người phát ngôn của tập đoàn dầu khí khổng lồ Nga Gazprom ngày 26-2 nói rằng sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho nước láng giềng Ukraine vào cuối tuần này nếu không nhận được các khoản chi trả từ Kiev. |
PHÚC NGUYÊN