Quốc tế

Chân dung kẻ hành hung Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc

19:26, 05/03/2015 (GMT+7)

Người rạch mặt của Đại sứ Mỹ từng sang Triều Tiên 8 lần, quăng bê tông vào Đại sứ Nhật, tổ chức họp báo ngay trước Đại sứ quán Mỹ.

Kẻ tấn công Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, Mark Lippert, được xác định tên là Kim Ki-jong. Một số nguồn tin viết tên y là Ki-joong.

Vị đại sứ bị rạch má (ảnh: Getty)
Vị đại sứ bị rạch má (ảnh: Getty)

Vụ tấn công xảy ra khi Đại sứ Lippert dự bữa ăn sáng do Hội đồng Hòa giải và Hàn gắn Hàn Quốc tổ chức ở giữa lòng Seoul, Hàn Quốc. 

Ông Lippert - làm Đại sứ tại Hàn Quốc từ tháng 10/2014 - bị thương nặng và được đưa tới bệnh viện. Dù bị chảy nhiều máu, ông vẫn tỉnh táo và tự đi được.

Hung thủ Kim 55 tuổi đã bị giữ ngay tại chỗ. Các nhân chứng cho biết Kim tấn công ông đại sứ từ phía sau, đẩy ông ngã lên bàn rồi dùng lưỡi dao cạo để tấn công nhà ngoại giao Mỹ.

Theo các đoạn video, Kium bị lôi trên mặt đất trước khi bị nhốt. Kim liên tục có thái độ phản đối các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Trước khi xảy ra vụ tấn công Đại sứ, y hô to: “Hàn Quốc và Triều Tiên cần phải được thống nhất”.

Lý lịch tư pháp của Kim Ki-jong bao gồm các tội bạo lực tương tự.

Hồi tháng 7/2010, y bị phạt 2 năm tù treo vì tội quăng các miếng bê tông vào Đại sứ Nhật Bản tại Seoul, Toshinori Shigeie.

Một bài báo năm 2007 của trang japanprobe.com cho biết Kim là một người dân tộc chủ nghĩa cực đoan, và đã tấn công ngài đại sứ Nhật với hy vọng được coi như anh hùng An Jung-guen, người đã bắn hạ một Đại sứ Nhật Bản vào năm 1909.

Hung thủ Kim bị khống chế (ảnh: Getty)
Hung thủ Kim bị khống chế (ảnh: Getty)

Ngoài ra, tên này còn từng định tự thiêu vào năm 2007 nhằm gây sức ép đòi chính phủ điều tra một nghi án hiếp dâm tập thể xảy ra vào năm 1988 tại văn phòng của một nhóm dân sự do y thành lập vào năm 1984. Trong vụ này, 4 dâm tặc đã chạy thoát khỏi văn phòng. Vụ này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Năm 2006, Kim thành lập một tổ chức để theo dõi tình hình quần đảo Takeshima/Dokdo nhằm phản đối việc Nhật Bản ra tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo này. Y xem mình là người bảo vệ quần đảo tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Khi tỉnh Shimane của Nhật Bản tuyên bố “Ngày Takeshima” vào năm 2005, Kim và 6 nhân vật hoạt động khác thậm chí còn đổi địa chỉ gia đình mình sang quần đảo này.

Cảnh sát hiện đang điều tra vì sao Kim lại đột ngột chuyển đổi mục tiêu từ các quan chức Nhật sang các quan chức Mỹ.

Khi bị bắt giữ tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Sejong, Kim gào to lên thái độ phản đối của mình đối với các cuộc tập trận chung Giải pháp Then chốt và Đại bàng Non giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Lực lượng an ninh Hàn Quốc khống chế kẻ tấn công Đại sứ Mỹ (ảnh: Getty)
Lực lượng an ninh Hàn Quốc khống chế kẻ tấn công Đại sứ Mỹ (ảnh: Getty)

Cảnh sát phát hiện y viết một đoạn đăng trên mạng xã hội với nội dung chỉ trích các cuộc tập trận nói trên.

Y viết: “Nếu hai nước [Mỹ, Hàn Quốc] giảm quy mô và thời gian tập trận, thì Triều Tiên cũng sẽ hạ nhiệt theo”. Y cho biết thêm, các cuộc tập trận là nguyên nhân cho việc Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch tổ chức một cuộc đoàn viên các gia đình bị ly tán trong giai đoạn Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Y viết tiếp: “Không khí giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên là thân thiện vào đầu năm nay nhưng giờ thì lại băng giá... Có vẻ như đối thoại giữa hai bên sẽ còn trục trặc chừng nào các cuộc tập trận kết thúc vào tháng 4 tới”.

Cùng với các nhà hoạt động khác, Kim đã tổ chức một cuộc họp báo ngay trước Đại sứ quán Mỹ ở Seoul vào ngày 24/2 để phản đối các cuộc diễn tập quân sự chung nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, được sự cho phép của bộ này, Kim Ki-jong đã viếng thăm Triều Tiên 8 lần từ năm 2006 đến 2007 trong một chương trình trồng cây ở Gaeseong.

VOV

.