Quốc tế

CUỘC GẶP LỊCH SỬ MỸ - CUBA

Gác lại quá khứ, hướng đến tương lai

07:46, 13/04/2015 (GMT+7)

Mỹ và Cuba đã khẳng định quyết tâm đối thoại, tiến tới tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới trong mối quan hệ nhiều chông gai giữa hai nước.

Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba.  		                     Ảnh: Reuters
Cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba. Ảnh: Reuters

Tổng thống Barack Obama nói rằng, Mỹ và Cuba đang bắt đầu “con đường hướng đến tương lai, gác lại quá khứ”.

Cả thế giới dồn sự chú ý về thủ đô Panama City của Panama vào cuối tuần qua bởi nơi đây diễn ra cuộc gặp lịch sử trong 80 phút - cuộc đối thoại cấp cao nhất lần đầu tiên giữa hai nước trong gần 60 năm qua. Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ dường như chỉ “làm nền” cho “cái bắt tay chính thức đầu tiên” giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro vào ngày 11-4.

Hai nhà lãnh đạo đã thống nhất thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương sau nhiều thập niên thù địch. “Việc Chủ tịch Castro và tôi đều ngồi đây hôm nay đánh dấu một cơ hội lịch sử”, ông Obama nói.

Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ là diễn đàn của các nhà lãnh đạo Bắc, Trung và Nam Mỹ, được tổ chức 3 năm/lần kể từ năm 1994. Đây là hội nghị lần thứ 7 nhưng lần đầu tiên có sự tham dự của lãnh đạo Cuba.

Cuba không phải là mối đe dọa của Mỹ

Đối thoại là tương lai và cơ hội phát triển

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto hoan nghênh cuộc gặp gỡ lịch sử Cuba. Ông nói rằng, mở cửa đối thoại đồng nghĩa với tương lai và cơ hội phát triển. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff xem cuộc gặp này đánh dấu kết thúc những tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Bà bày tỏ ủng hộ hoàn toàn tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, bởi sự kiện này sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực.

Tổng thống Obama tuyên bố hai nước hiện kết thúc sự thù địch của thời Chiến tranh Lạnh nhưng ông vẫn sẽ tạo nhiều áp lực cho Cuba về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, Tổng thống Obama thừa nhận vẫn còn những khác biệt “sâu sắc và đáng kể” giữa hai chính phủ. “Chúng tôi đang cùng thúc đẩy con đường hướng đến tương lai, gác lại quá khứ khó khăn phía sau. Chúng tôi có những khác biệt về quan điểm, phương thức tổ chức xã hội...”, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định. Reuters cho biết, phát biểu với báo giới, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Chiến tranh Lạnh đã qua... Cuba không phải là mối đe dọa đối với Mỹ”.

Cuộc gặp nói trên diễn ra sau một thỏa thuận lịch sử hồi tháng 12 năm ngoái, khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castrol tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ, trong đó tìm cách khôi phục quan hệ ngoại giao vốn đổ vỡ từ năm 1961. Theo ông Obama, chính sách thù địch và cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba đã lỗi thời, đến lúc “phải làm một điều khác sau hơn 50 năm giữ nguyên một chính sách”. Từ đó, ông nới lỏng một số hạn chế về đi lại và thương mại với quốc đảo Caribbe.

Về phía Cuba, Chủ tịch Raul Castro nói rằng, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ, đồng thời sẵn sàng thảo luận về nhân quyền cũng như các vấn đề khác. “Chúng tôi sẵn sàng bàn thảo về mọi việc nhưng chúng tôi cần kiên nhẫn, rất kiên nhẫn”.

Hồi đầu tuần qua, Tổng thống Obama đã đề nghị Quốc hội Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Các nhà lập pháp ở Đồi Capitol có 45 ngày để bác bỏ hay đồng ý với quyết định của Tổng thống. AP cho biết, việc ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố là ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Raul Castro và là điều kiện để hàn gắn vết thương với Mỹ.

Hãng tin này cũng cho rằng, các nghị sĩ Mỹ có thể sẽ phủ quyết. Ông Raul Castro từng gọi việc quốc đảo của mình bị xem là một trong những nước bảo trợ khủng bố là trở ngại lớn trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Bên cạnh đó, khi bình thường hóa quan hệ, Mỹ và Cuba cũng sẽ mở Đại sứ quán, đồng thời thúc đẩy trao đổi giữa nhân dân hai nước.

Những thăng trầm trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba.   			        Ảnh: AFP
Những thăng trầm trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Ảnh: AFP

Khó khăn vẫn còn

Khi quyết định thay đổi chính sách ngoại giao với Cuba, Tổng thống Obama, vấp phải những chỉ trích của Đảng Cộng hòa. Phe đối lập cho rằng, ông đã phải nhượng bộ quá nhiều (!?).

Lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba gặp gỡ là cuộc hội đàm vào năm 1956 giữa Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower với Fulgencio Batista, nhà độc tài do Mỹ bảo trợ nắm quyền ở Havana. Anh em ông Castro lật đổ chế độ Batista trong một cuộc cách mạng vào ngày 1-1-1959 và quan hệ giữa Mỹ với Cuba nhanh chóng xấu đi từ đó. Năm 1982, Cuba bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố.

Tại Mỹ, các thăm dò dư luận cho thấy, trong những năm gần đây, nhiều người dân ở cường quốc này ủng hộ việc hợp tác với Cuba. Theo AP, Tổng thống Obama có thể tiếp tục tháo dỡ các vấn vận đối với Havana. Tuy nhiên, ông sẽ khó vượt qua được Quốc hội hiện do phe Cộng hòa nắm giữ. AFP dẫn lời ông Geoff Thale, chuyên gia về Cuba tại Washington, đối thoại giữa cường quốc hàng đầu thế giới với Havana là dấu hiệu kết thúc những trận chiến cuối cùng thời Chiến tranh Lạnh ở bán cầu này. Song, ông Thale bày tỏ những nghi ngại… Cũng có quan chức Nhà Trắng nhận định đây là “giao thiệp không chính thức” (!).

Giới phân tích cho rằng, sự thay đổi chính sách với Cuba là một phần trong chiến lược tìm kiếm tiếng nói chung với các cựu thù truyền thống của Mỹ. Với Iran cũng vậy, bất chấp những chỉ trích của phe đối lập, chính phủ của ông Obama cũng đã thúc đẩy đàm phán hướng đến một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng cùng nước Cộng hòa Hồi giáo này.

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH CÁC NƯỚC CHÂU MỸ

Không có tuyên bố chung

Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 tại Panama mang chủ đề “Thịnh vượng với công bằng: Sự thách thức trong hợp tác tại châu Mỹ” đã kết thúc vào sáng 12-4 (giờ Việt Nam), muộn hơn kế hoạch 5 tiếng và không đưa ra được tuyên bố chung. Tuy nhiên, không khí hội nghị vẫn vui vẻ bởi cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba.

VĨNH AN

.