Quốc tế

Mỹ quyết đẩy lùi IS

07:50, 12/06/2015 (GMT+7)

Việc triển khai thêm 450 binh sĩ đến Iraq được cho là quyết tâm của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc đẩy lùi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Lực lượng Shiite được triển khai tại Baiji, phía bắc Tikrit, trong chiến dịch chống IS.  						                            Ảnh: AFP
Lực lượng Shiite được triển khai tại Baiji, phía bắc Tikrit, trong chiến dịch chống IS. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama được đưa ra theo đề xuất của Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi khi hai nhà lãnh đạo gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Đức hồi đầu tuần này. 450 binh sĩ được bổ sung cho lực lượng 3.100 binh sĩ Mỹ đang thực hiện sứ mệnh “huấn luyện, cố vấn, hỗ trợ” quân đội Iraq và các chiến binh bộ tộc Hồi giáo Sunni, từ đó nỗ lực giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược Ramadi.

IS đã chiếm giữ Ramadi hồi tháng 5 vừa qua và diễn biến này minh chứng lỗ hổng lớn trong chiến lược chống IS của Tổng thống Obama. Theo đó, lực lượng được tăng cường sẽ đóng tại căn cứ không quân Taqaddum, nằm giữa thành phố Ramadi do IS kiểm soát và thành phố Fallujah, cách Ramadi chỉ 25km; đồng thời tại đây sẽ hình thành một trung tâm huấn luyện.

Các nhà quan sát nhận định: Những chiến thắng gần đây của IS tại thành phố Ramadi ở Iraq và thành phố Palmyra ở Syria dường như phá hỏng chiến lược của ông Obama. Những người chỉ trích cho rằng, việc Mỹ hạn chế vai trò quân sự của cường quốc này trong cuộc chiến chống IS không đủ để tạo nên làn sóng đối phó với các chiến binh này.

Tổng thống Obama vốn dựa vào không lực cũng như bộ binh riêng rẽ để đánh bại và làm suy yếu IS - lực lượng đang nắm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq và thực hiện các chiến dịch giết người hàng loạt, trong đó có những vụ chặt đầu con tin, gây chấn động dư luận quốc tế.

Ông Obama không muốn dùng lực lượng chiến đấu trên mặt đất, bởi lo ngại các binh sĩ Mỹ sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến tranh và sẽ khó kết thúc, tức là Washington vẫn không trực tiếp tham chiến tại Iraq. Thay vào đó, chính phủ của ông đề nghị hỗ trợ trên không, cung cấp vũ khí và huấn luyện lực lượng hỗn hợp của Iraq để chống IS.

Người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz trước đó thừa nhận việc Ramadi thất thủ là một bước thụt lùi trong cuộc chiến chống IS nhưng ông khẳng định Washington sẽ giúp Iraq giành lại thành phố này. Thực tế, đây là thất bại lớn nhất của chính phủ Iraq trong gần một năm qua. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quy trách nhiệm cho Iraq và nói rằng, lực lượng của chính phủ Baghdad cho thấy họ “không có ý chí chiến đấu”.

Trong khi đó, các trợ lý quân sự và dân sự cấp cao của Tổng thống Obama khẳng định ông chủ Nhà Trắng “không loại bỏ bất kỳ bước đi bổ sung nào”, như tăng cường các cố vấn và binh sĩ để thực hiện các cuộc không kích… “Tổng thống đã nói rõ ràng rằng ông sẽ xem xét hàng loạt lựa chọn khác nhau”, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói. Theo quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc Elissa Slotkin, việc triển khai 450 binh sĩ Mỹ sẽ tác động đến hành động của IS.

Năm 2011, hầu hết binh sĩ Mỹ đã rút khỏi Iraq. Song, khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ vẫn ở lại để giúp chính phủ Iraq đối phó với IS. Nhà Trắng cho rằng, điều quan trọng là người Iraq phải tự bảo vệ và giải quyết công việc của chính mình. Theo Reuters, thách thức phức tạp đặt ra đối với quân đội Mỹ là việc tiếp cận với các tay súng bộ tộc Sunni bởi nhiều người trong số này không tin tưởng vào chính phủ Iraq do người Shiite lãnh đạo.

Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, kế hoạch đưa thêm 450 binh sĩ đến Iraq là “một bước đi đúng”, nhưng không phải là một chiến lược đủ để đánh bại IS.

Ngày 11-6, phát biểu tại Hội nghị khu vực bàn về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố diễn ra ở Sydney, Thủ tướng Úc Tony Abbott thúc giục các nước châu Á - Thái Bình Dương hỗ trợ cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến và nói rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể vươn vòi bạch tuộc trên phạm vi toàn cầu.

Theo Thủ tướng Abbott, nếu IS tiếp tục trỗi dậy thì sẽ đến ngày nhóm khủng bố này đe dọa mọi người dân, mọi chính phủ, với thông điệp duy nhất: “Đầu hàng hay là chết”. “Đó là chủ nghĩa khủng bố với tham vọng toàn cầu”, ông Abbott nói. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Chúng ta không thể đàm phán với một tổ chức khủng bố như thế, chúng ta chỉ có thể chiến đấu chống lại chúng”.

Hiện có hơn 100 công dân Úc tham gia chiến đấu cho các nhóm chiến binh Hồi giáo ở Iraq và Syria.

PHÚC NGUYÊN

.