Quốc tế

Hy Lạp chạy đua với thời gian

07:36, 10/07/2015 (GMT+7)

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải chạy đua với thời gian để hoàn tất các đề xuất mới về việc tăng thuế, thực hiện cải cách lương hưu để Athens giành được gói cứu trợ thứ ba, tránh cho nước này một kết cục xấu: rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại Strasbourg, phía đông nước Pháp ngày 8-7. Ông Donald Tusk muốn Hy Lạp ở lại eurozone.  				   Ảnh: AP
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại Strasbourg, phía đông nước Pháp ngày 8-7. Ông Donald Tusk muốn Hy Lạp ở lại eurozone. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, sau các cuộc họp ở Brussels (Bỉ) và phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Tsipras đã trở về Athens làm việc với các cố vấn, cùng đưa ra gói đề xuất cải cách với những biện pháp cứng rắn hơn cả kế hoạch trước đó. Đề xuất “thắt lưng buộc bụng” trước đó của các chủ nợ đã bị cử tri Hy Lạp bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5-7 vừa qua.

Hy Lạp đã chính thức đề nghị được nhận một khoản cứu trợ mới có thời hạn 3 năm từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ thường trực của eurozone.

Theo nhật báo Kathimerini của Hy Lạp, gói cứu trợ thứ ba có trị giá 12 tỷ euro trong vòng 2 năm tới, kế hoạch trước đó là 8 tỷ euro. Song, một quan chức chính phủ Hy Lạp bác bỏ con số này và nói rằng đề xuất vẫn chưa được đưa ra chính thức.

Khó khăn đặt ra cho Thủ tướng Tsipras là đề xuất nếu thuyết phục được các chủ nợ, bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì sẽ vấp phải sự phản đối từ đảng cánh tả cứng rắn Syriza của ông và đối tác liên minh - đảng Người Hy Lạp độc lập cánh hữu.

Một dấu hiệu được cho là thách thức với ông Tsipras là đảng Syriza đã tuyên bố chống lại việc áp đặt các biện pháp khắc khổ cứng rắn đối với người dân Hy Lạp. “Chúng tôi không muốn một gói cứu trợ thứ ba thêm vào hai gói cứu trợ đã thất bại trước đó mà không mang lại triển vọng nào cho đất nước”, Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis nói với báo giới.

Trong khi đó, các đối tác châu Âu muốn đề xuất cải cách phải được đặt lên bàn nghị sự vào hôm nay (10-7) và Hy Lạp ít nhất phải đưa ra đề xuất vào ngày 9-7. Nếu hài lòng, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày 12-7 để bàn thảo về gói cứu trợ mới, tránh cho Athens phải rời khỏi eurozone. Cũng có thông tin cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã mất kiên nhẫn với Thủ tướng Tsipras và tân Bộ trưởng Tài chính Euclid Tsakalotos khi hai ông này chưa có kế hoạch cụ thể để kết thúc khủng hoảng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo đây là “thời khắc cam go nhất trong lịch sử của eurozone”. Ông Tusk từng cho rằng, sự phá sản của Hy Lạp và sụp đổ của hệ thống ngân hàng nước này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ châu Âu. Theo ông, Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 12-7 tới là cơ hội cuối cùng đối với Athens và là cơ hội cuối cùng với cả khối.

Thực chất, ông Tusk không muốn Hy Lạp rời eurozone bởi thất bại này có thể dẫn đến sự phá sản của Athens và gây ra những vấn đề địa chính trị cho châu Âu. Còn Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính của eurozone (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) và ECB đánh giá yêu cầu vay vốn, tính bền vững của nợ công Hy Lạp và xem xét Athens có tạo ra nguy cơ cho 18 thành viên còn lại của eurozone hay không. Hiện tại, các ngân hàng ở Hy Lạp vẫn đóng cửa cho đến ngày 13-7 và mức rút tiền tại các máy ATM vẫn được giới hạn là 60 euro/ngày.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann- nhà hoạch định chính sách cấp cao của ECB, việc kiểm soát vốn sẽ được duy trì ở Hy Lạp cho đến khi có một thỏa thuận. Thủ tướng Pháp Manuel Valls hoan nghênh việc đưa ra đề xuất mới và gọi đây là bước đi đúng hướng. Ông Valls cũng nhấn mạnh: Giữ Hy Lạp ở lại eurozone là vấn đề quan trọng nhất.

Dù các nỗ lực đang diễn ra trong giờ phút cuối nhưng thăm dò do Reuters thực hiện đối với các nhà kinh tế học cho thấy, tỷ lệ Hy Lạp rời eurozone chiếm 55%, tăng từ con số 45% trong cuộc thăm dò hồi tuần trước. Vì vậy, “một thỏa thuận công bằng xã hội và khả thi về mặt kinh tế”, như mong muốn của Thủ tướng Tsipras sẽ là điều khó đạt được.

PHÚC NGUYÊN

.