ĐNĐT - Theo nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên đang có dấu hiệu sẽ phóng các tên lửa Scud và Rodong.
Người dân Hàn Quốc xem truyền hình cảnh pháo binh 155 mm của Hàn Quốc bắn trả đũa vụ Triều Tiên nã pháo sang lãnh thổ Hàn Quốc, chiều 20-8-2015 - Ảnh: AFP |
Trước tình hình đó, trong chuyến thăm đột xuất đến Quân đoàn số 3 tại Yongin, gần thủ đô Seoul, Tổng thống Park Geun-Hye đã ra lệnh cho quân đội phải đáp trả mạnh mẽ và cương quyết với bất kỳ khiêu khích nào của Triều Tiên.
“Chúng ta không bao giờ tha thứ cho bất kỳ sự khiêu khích nào của Triều Tiên mà gây nguy hiểm đến sự an toàn của binh sĩ và nhân dân Hàn Quốc”.
Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa
Theo hãng tin Yonhap ngày 21-8, dường như Triều Tiên đang đẩy nhanh việc phóng tên lửa, giữa lúc nước này ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến tranh.
Yonhap dẫn nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc rằng, dựa trên các kết quả phát hiện của hệ thống radar Hàn Quốc phối hợp với Mỹ, Triêu Tiên đang cho thấy các dấu hiệu của việc phóng một tên lửa Scud gần Wonsan và một tên lửa Rodong ở tỉnh Bắc Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã triệu tập cuộc họp của Quân ủy Trung ương Triều Tiên ngày 21-8-2015. Ông ra lệnh cho binh sĩ tiền phương phải sẵn sàng chiến đấu chống lại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap |
Theo đó, các xe phóng cơ động nạp các tên lửa Scud và Rodong đã được phát hiện. “Dường như Triều Tiên đang cân nhắc thời điểm phóng dưới ý định chiến lược nhằm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều tiên tới mức cao nhất”, nguồn tin trên cho biết.
Các tên lửa nêu trên có thể là một tên lửa Scud-C tầm ngắn có thể bay tới 500 km và một tên lửa Rodong có tầm bắn 1.200 km.
Cùng ngày, các binh sĩ tiền tuyến của Triều Tiên cũng đã hoàn thành việc chuẩn bị cho hành động quân sự chống lại Hàn Quốc, khi lãnh đạo nước này tuyên bố tình trạng “nửa chiến tranh”.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội tại tiền tuyến phải sẵn sàng chiến đấu cao nhất chống lại Hàn Quốc tại cuộc họp khẩn cấp của Quân ủy trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, sau khi diễn ra vụ đấu pháo qua biên giới.
Theo đó, các binh sĩ Triều Tiên đang đợi “một lệnh tấn công” để tiêu diệt kẻ thù, cảnh báo rằng, các phương tiện tâm lý chiến của Hàn Quốc “nằm trong tầm bắn của các dàn phóng tên lửa nhiều nòng và các lực lượng tên lửa chiến lược của Quân đội Triều Tiên”.
Các nước lớn kêu gọi hai miền Triều Tiên kiềm chế
Vụ việc đi đến chỗ nguy hiểm khi Triều Tiên phóng tên lửa sang khu vực phía tây biên giới và tiếp sau đó là Hàn Quốc nã hàng chục quả đạn pháo sang phía Triều Tiên vào chiều 20-8. Sau đó, Triều Tiên gia hạn trong vòng 48 giờ, Hàn Quốc phải dỡ bỏ hệ thống loa tuyên truyền chống phá Bình Nhưỡng.
Căng thẳng dâng cao đã khởi đầu một loạt các hoạt động ngoại giao khi Hàn Quốc và các nước đối tác, kể cả Mỹ, tìm một cách đối phó thích hợp với sự khiêu khích của Triều Tiên.
Một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết: “Chính phủ của chúng tôi đã giải thích các chi tiết về việc dội pháo của Triều Tiên với cộng đồng quốc tế, kể cả các nước chủ chốt và Liên Hiệp Quốc, và chúng tôi đang thảo luận các biện pháp để làm việc cùng nhau nhằm ngăn chặn các khiêu khích tiếp theo từ phía Bắc. Đặc biệt, đối với Mỹ, chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình trên cơ sở tư thế phòng thủ phối hợp cứng và tiếp tục phối hợp sát sao với họ để ngăn chặn và đối phó với các khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên”.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, John Kirby đã kêu gọi Bình Nhưỡng hãy “kiềm chế các hành động và luận điệu đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”.
Ngay sau khi vụ đấu pháo xảy ra, Bộ Ngoại giao Nga đã thúc giục hai miền Triều Tiên thể hiện sự kiềm chế và dừng các hành động có thể làm tình hình xấu đi.
Phát biểu trong buổi sáng nay, Đại sứ Trung Quốc tại Seoul, Qiu Gouhong, đã ra lời kêu gọi tương tự như Nga và Mỹ, và ông hy vọng rằng, hai bên sẽ thể hiện sự kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại chứ không đối đầu.
Trên bình diện đa phương, Hàn Quốc tỏ ra chần chừ đưa vấn đề này thẳng lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã phát biểu với Yonhap rằng, hiện tại họ đang theo dõi sát sao tình hình. “Chìa khóa nằm ở chỗ tình hình diễn ra như thế nào”, quan chức trên nói.
Ero Kaneko, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phát biểu rằng, Liên Hiệp Quốc “đang theo dõi sát sao các diễn tiến với sự quan ngại sâu sắc”.
Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc (UNC) đề xuất đối thoại
Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc (UNC) đã đề xuất đối thoại ở cấp chuyên viên với Triều Tiên để thảo luận căng thẳng leo thang giữa hai miền.
Theo nguồn tin trên, UNC đã gửi một thông điệp tới Triều Tiên vào hôm qua, đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng sau khi hai miền đấu pháo.
“UNC đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, tránh làm cho tình hình bán đảo xấu thêm khi mà việc phóng tên lửa Triều Tiên qua biên giới đã vi phạm nghiêm trọng hiệp ước đình chiến”.
Phía Triều Tiên chưa trả lời về đề xuất của UNC, nguồn tin cho biết.
Quang Hiển (theo Yonhap)