Bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai không làm Hàn Quốc và Trung Quốc hài lòng. Hai nước láng giềng cho rằng, ông Abe đã không đưa ra được lời xin lỗi phù hợp.
Những người tham gia tuần hành bên ngoài trụ sở Quốc hội Nhật kêu gọi duy trì hòa bình, không chiến tranh. Ảnh: AFP |
Trước khi Nhật Bản tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai, có nhiều đồn đoán về bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe, nhất là việc nhà lãnh đạo này thể hiện cam kết như thế nào trong việc duy trì nguyên tắc quốc tế cấm các quốc gia tiến hành xâm lược.
Các nước láng giềng, nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc, kỳ vọng Tokyo xin lỗi về hành vi xâm lược trước và trong chiến tranh. Bài phát biểu cũng được cho là sẽ ấn tượng và khác biệt hơn với những người tiền nhiệm của ông Abe.
Trước đó, ngày 15-8-1995, trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai, Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Tomiichi Murayama đã bày tỏ “sự hối hận sâu sắc và xin lỗi chân thành” về những đau khổ và mất mát mà chế độ quân phiệt Nhật Bản đã gây ra. Năm 2005, tại lễ kỷ niệm 60 năm, trong bài phát biểu, Thủ tướng Junichiro Koizumi cũng dùng những từ như “hối hận sâu sắc” và “xin lỗi chân thành”.
Bài học từ 70 năm trước
Lần này, Thủ tướng Abe cũng nhắc lại từ “xin lỗi” mà những người tiền nhiệm đã nói nhưng ông không đề cập gì đến từ “xâm lược”. “Chúng ta đã mang lại đau khổ cho nhiều người vô tội. Đó là lịch sử, điều mà chúng ta không thể thay đổi. Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ sự hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành về những hành động trong chiến tranh”, ông Abe nói.
Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản cam kết không bao giờ lặp lại thảm kịch chiến tranh, tạo dựng tương lai của đất nước vì thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, AFP dẫn lời ông Abe cho rằng, 80% dân số của Nhật Bản sinh ra sau chiến tranh không cần xin lỗi về quá khứ, mặc dù người Nhật vẫn thẳng thắn đối diện với lịch sử. “Không nên để con cháu của chúng ta và thậm chí là các thế hệ sau nữa, không làm gì liên quan đến chiến tranh, lại cứ phải xin lỗi”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.
Hãng AP cho biết, ông Abe cũng khẳng định nước ông vẫn duy trì hòa bình và chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp như Biển Đông và Biển Hoa Đông. “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ không được dung thứ. Tôi tin rằng, bài học của chúng tôi từ 70 năm trước không chỉ hữu ích với Nhật Bản mà còn với các nước khác trên thế giới”, ông Abe nói.
“Bóng ma lịch sử” ám ảnh
Hàn Quốc và Trung Quốc đặc biệt chú ý thông điệp của Nhật Bản trong dịp này. Seoul và Bắc Kinh chịu sự chiếm đóng và cai trị của Nhật trước khi Tokyo đầu hàng trong Thế chiến thứ hai vào ngày 15-8-1945. 70 năm sau, quan hệ giữa Tokyo với Seoul và Bắc Kinh vẫn “cơm không lành, canh không ngọt”, do sự ám ảnh của “bóng ma lịch sử”.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye không hài lòng về bài phát biểu của Thủ tướng Abe và nói rằng, những gì đưa ra không đáp ứng được mong muốn của Seoul. Bà kêu gọi Nhật Bản tiếp tục có những hành động chân thành nhằm xây dựng lại lòng tin của các quốc gia láng giềng và cần giải quyết vấn đề phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ hai. Những phụ nữ Hàn Quốc làm việc trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản đang chờ đợi lời xin lỗi. Tuy nhiên, 70 năm trôi qua, nhiều người trong số họ đã qua đời, những người còn sống đều trên 80 tuổi, có những người trên 90 tuổi. Vì vậy, họ không còn thời gian để chờ đợi.
Tổng thống Park Geun-hye cho rằng, lễ kỷ niệm ngày 15-8 có thể là cơ hội cuối cùng để lãnh đạo Nhật Bản giải quyết vấn đề này nhưng Tokyo chưa làm đủ để chuộc lỗi, nhất là với vấn đề nô lệ tình dục. Các học giả hiện vẫn tranh cãi về số phụ nữ bị bắt mua vui cho lính Nhật. Theo các nhà hoạt động xã hội, có thể có tới 200.000 phụ nữ Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên là nạn nhân. Tuy nhiên, chưa có tài liệu khẳng định con số chính xác.
Trong khi đó, Trung Quốc cho biết, hơn 20 triệu công dân nước này đã chết vì sự xâm chiếm của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi chân thành về các hành động trong quá khứ, đồng thời trình bày rõ ràng bản chất của cuộc chiến do những người theo chủ nghĩa quân phiệt phát động cũng như trách nhiệm của họ. Bà Hoa Xuân Oánh nói rằng, chỉ có thể củng cố nền tảng cho việc cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và các nước châu Á khác bằng cách đưa ra quan điểm và thái độ phù hợp đối với lịch sử.
Những tranh cãi xung quanh bài phát biểu của Thủ tướng Abe chưa lắng xuống thì ngay trong ngày 15-8, 3 Bộ trưởng Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni, ngôi đền được cho là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Ba Bộ trưởng thăm đền bao gồm: Bộ trưởng phụ trách quyền của phụ nữ Haruko Arimura, Bộ trưởng Nội vụ và truyền thông Sanae Takaichi và Bộ trưởng quản lý thảm họa Eriko Yamatani. Thủ tướng Shinzo Abe không trực tiếp đến viếng mà gửi đồ lễ đến viếng. Ông Abe từng thăm đền Yasukuni vào năm 2013, khiến Hàn Quốc và Trung Quốc tức giận. Lần này, Trung Quốc đã trao công hàm thể hiện sự phản đối cương quyết và sự bất bình mạnh mẽ về hành động của Nhật Bản. Đền Yasukuni thờ 2,5 triệu người thiệt mạng trong những cuộc chiến tranh của Nhật Bản. Những người này bao gồm những binh sĩ và cả các tướng lĩnh bị kết án gây ra tội ác chiến tranh. Thăm dò mới nhất do hãng Kyodo thực hiện và công bố cho thấy, tỷ lệ ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Abe tăng từ 37,7% lên 43,2%, một kết quả bảo đảm để ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào tháng 9 tới. 44,2% cho rằng, bài phát biểu của ông Abe là phù hợp, trong khi tỷ lệ phản đối là 37%. |
THIÊN BÌNH