Quốc tế

THẾ GIỚI TUẦN QUA

Người Malaysia muốn thay đổi

07:33, 31/08/2015 (GMT+7)

Trong cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 29 và 30-8 ở Kuala Lumpur, người dân Malaysia bày tỏ nguyện vọng muốn có sự thay đổi, muốn làm trong sạch đất nước và không chấp nhận chính phủ tham nhũng.

Biển người áo vàng trên đường phố Kuala Lumpur.  		                     Ảnh: AP
Biển người áo vàng trên đường phố Kuala Lumpur. Ảnh: AP

Sau một ngày biểu tình hòa bình, khoảng 25.000 người mặc áo vàng của phong trào Bersih (trong sạch, theo tiếng Malaysia) - trở lại đường phố Kuala Lumpur vào ngày 30-8 để yêu cầu Thủ tướng Najib Razak từ chức vì liên quan đến scandal tài chính. Nhiều người dùng phấn màu viết những dòng chữ trên đường phố: “Chúng tôi muốn thay đổi”, “Chúng tôi muốn cuộc bầu cử trong sạch và công bằng”. Bersih là liên minh vì bầu cử trong sạch và công bằng, đã kêu gọi tuần hành để chống chính phủ.

Bất chấp việc các nhà chức trách chặn trang web của Bersih và cấm việc mặc áo vàng cũng như logo của phong trào này nhưng các cuộc biểu tình không những diễn ra rầm rộ ở thủ đô mà còn ở những thành phố khác của Malaysia. Không chỉ tức giận vì vụ bê bối tài chính, những người biểu tình cũng yêu cầu cải cách thể chế nhằm làm chính phủ trở nên minh bạch và có trách nhiệm với người dân hơn.

Tài liệu bị rò rỉ hồi tháng 7 vừa qua cho thấy, khoảng 700 triệu USD đã được chuyển vào tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib từ quỹ đầu tư quốc gia 1 Malaysia Development Bhd (1MDB). Chính sự việc này đã khơi mào cho các cuộc biểu tình. Ông Najib lý giải rằng, đây là tiền tài trợ từ Trung Đông trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử năm 2013.

Ông đã sa thải Phó Thủ tướng và 4 thành viên trong nội các, cũng như Bộ trưởng Tư pháp - những người đang điều tra ông; đồng thời khẳng định các cáo buộc chính là âm mưu chính trị nhằm hạ bệnh ông và những người biểu tình - “những công dân không yêu nước” - đang làm xấu hình ảnh Malaysia. Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng chính phủ Joseph Kurup cũng chỉ trích biểu tình trên đường phố là hành động trái với văn hóa của Malaysia.

Điều đáng nói là cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad cùng vợ của ông có mặt trong đoàn người biểu tình vào tối 29-8. Ông Mahathir kêu gọi phong trào “sức mạnh nhân dân” để lật đổ Thủ tướng đương nhiệm. Các nhà phân tích cho rằng, sự xuất hiện trong thời gian ngắn của cựu lãnh đạo 90 tuổi, người từng nắm quyền lâu năm nhất ở Malaysia, cũng là người từng ủng hộ ông Najib, làm tăng thêm động lực cho những người biểu tình.

Biểu tình thu hút sự tham gia của phần lớn người dân thành thị, cộng đồng người gốc Hoa và gốc Ấn ở Malaysia. Phong trào Bersih nói rằng, có đến 300.000 người xuống đường trong ngày 30-8, so với con số 200.000 người vào ngày 29-8. Theo nhà phân tích Ibrahim Suffian, biểu tình không ảnh hưởng đến khu vực nông thôn nhưng điều này không có nghĩa là người dân nông thôn hài lòng về chính phủ khi tiền tệ sụt giảm và kinh tế suy thoái.

Ông Najib, một nhà kinh tế được đào tạo tại Anh, bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng từ năm 2009 với nhiều cam kết như minh bạch hóa nền kinh tế, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, v.v... Tuy nhiên, ông đã không thực hiện những cam kết này.

Trước áp lực từ biển người áo vàng, Chính phủ của Thủ tướng Najib dường như thiếu kiên nhẫn. Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi cảnh báo rằng, những người tổ chức biểu tình có thể đối mặt với sự trừng phạt của luật pháp. “Họ phải đối mặt với các hệ quả nếu họ dám vi phạm luật pháp”, báo New Straits Times dẫn lời ông này nói. Trong khi đó, theo hãng tin Bernama, 12 người ở thành phố Malacca đã bị bắt giữ vì mặc áo vàng của phong trào Bersih.

VĨNH AN

.