Quốc tế

1 triệu người tị nạn - bài toán khó của Đức

07:36, 15/09/2015 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nói rằng, nước ông có thể tiếp nhận 1 triệu người tìm kiếm tị nạn trong năm nay, cao hơn so với con số 800.000 người được dự đoán trước đó. Đây sẽ là bài toán khó cho nền kinh tế lớn nhất và giàu nhất châu Âu.

Những người tị nạn đến nhà ga Dortmund, phía tây nước Đức. 			                Ảnh: AFP
Những người tị nạn đến nhà ga Dortmund, phía tây nước Đức. Ảnh: AFP

Trong một bức thư gửi cho Đảng Dân chủ Xã hội của mình ngày 14-9, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho biết, nước ông sẽ không đón 800.000 người nhập cư như dự đoán của Bộ Nội vụ, mà con số sẽ là 1 triệu người.

Đức đã tuyên bố tái lập kiểm soát biên giới với Áo để hạn chế dòng người tị nạn. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere xác nhận: Biện pháp tạm thời này nhằm hạn chế dòng người tị nạn đến Đức và cũng vì lý do an ninh.

Hãng AP cho biết, Phó Thủ tướng Gabriel bảo vệ quyết định tái lập kiểm soát biên giới, gọi đây là “một dấu hiệu rõ ràng” gửi đến các đối tác châu Âu rằng, “ngay cả khi chúng ta chuẩn bị sự hỗ trợ thì cũng không thể một mình đáp ứng tất cả người tị nạn”.

Đức, nền kinh tế lớn nhất và giàu có nhất châu Âu, hiện tiếp nhận đông đảo người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào ở lục địa già cỗi này. Đức trở thành điểm đến của người nhập cư bằng đường biển và đường bộ. Cảnh sát cho hay, riêng trong ngày 12-9, khoảng 13.000 người đã đến thành phố Munich, miền nam nước Đức; sáng 13-9 là 3.000 người.

Tính trong 2 tuần qua, thành phố Munich ghi nhận có 63.000 người tị nạn đổ về đây. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cho rằng, việc nới lỏng quy chế tị nạn, tiếp nhận người nhập cư sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nước của bà khi dân số đang ngày càng già đi và thiếu lao động trẻ. Tuy nhiên, việc giải quyết 1 triệu người tị nạn sẽ là bài toán khó đối với Berlin. Bà Merkel cũng đã kêu gọi sự linh hoạt của Đức cũng như các nước khác ở châu Âu nhằm có kế hoạch lâu dài trong vấn đề nhập cư.

Slovakia cũng tham gia cùng Đức trong việc tái lập kiểm soát biên giới với Áo. AP cho rằng, động thái này càng đặt ra yêu cầu các quốc gia châu Âu cần nhanh chóng có chiến lược chung trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Hầu hết người tìm kiếm tị nạn không muốn ở lại các nước châu Âu phía nam nghèo hơn như Hy Lạp, mà muốn đến Đức hoặc Thụy Điển, nơi mà họ được chào đón nồng ấm.

Cũng trong ngày 14-9, các bộ trưởng nội vụ của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) để tìm cách thu hẹp bất đồng trong việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư đến hằng ngày và tháo gỡ gánh nặng cho các nước Hy Lạp, Ý, Hungary. Theo đó, cuộc họp tập trung bàn thảo việc phân bổ tiếp nhận 160.000 người nhập cư trong vòng 2 năm tới khi có ít nhất 4 nước Đông Âu phản đối mạnh mẽ hạn ngạch này và tuyên bố rằng họ không tiếp nhận thêm bất kỳ người nào nữa.

Trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 14-9, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch hành động quân sự chống lại nạn  buôn người ở Địa Trung Hải, theo đó sẽ bắt giữ và cần thiết sẽ triển khai tàu để phá vỡ mạng lưới buôn người từ Libya. Theo Tổ chức Di trú quốc tế, trong năm nay, hơn 350.000 người đã mạo hiểm băng qua Địa Trung Hải để tiến đến châu Âu, trong đó gần 3.000 người đã bỏ mạng trên biển.

BÌNH YÊN

.