Quốc tế

Không kích IS tại Syria: Pháp muốn phòng vệ

07:38, 28/09/2015 (GMT+7)

Pháp cho rằng, việc tiến hành không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria là hành động phòng vệ, để ngăn chặn nhóm chiến binh này thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Pháp.

Các máy bay do thám của Pháp xác định các mục tiêu tấn công ở Syria.  		Ảnh: EPA/BBC
Các máy bay do thám của Pháp xác định các mục tiêu tấn công ở Syria. Ảnh: EPA/BBC

Ngày 27-9, lần đầu tiên Pháp thực hiện các cuộc không kích nhằm vào IS tại Syria sau 3 tuần tổ chức các chuyến bay do thám. Phát biểu với đài truyền hình BFM-TV, Thủ tướng Pháp Manuel Valls xác nhận việc không kích nhằm vào các trung tâm huấn luyện IS, nơi các chiến binh đang chuẩn bị thực hiện những cuộc tấn công ở nước của ông. “Chúng tôi tấn công Daesh (tức IS) bởi tổ chức khủng bố này chuẩn bị tấn công Pháp từ Syria. Chúng tôi đang phòng vệ”, ông Valls nói. Song, không có thông tin cụ thể về những vị trí tấn công.

Tuyên bố nói trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Pháp Francois Hollande cùng các nhà lãnh đạo thế giới bước vào cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York. Ông Hollande từng  khẳng định không kích IS tại Syria là điều cần thiết. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống cũng nêu rõ: “Mục tiêu của chiến dịch là chống lại mối đe dọa khủng bố. Chúng tôi sẽ tấn công khi an ninh quốc gia bị đe dọa”.

Trong năm nay, các chiến binh Hồi giáo đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công ở Pháp, trong đó một vụ xảy ra tại tuần báo biếm họa Charlie Hebdo làm 12 người chết vào tháng 1. Đến tháng 6 vừa qua, một người đàn ông ở đông nam nước Pháp đã chặt đầu ông chủ của mình và cho nổ một nhà máy; nghi can tự xưng là thành viên IS…

Tại LHQ, ông Hollande cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tìm một giải pháp chính trị cho Syria. Và cuộc chiến kéo dài suốt 4 năm ở Syria là đề tài chính được đặt lên bàn nghị sự ở New York.
Mỹ đang dẫn đầu liên minh quốc tế không kích chống IS tại Iraq và Syria.

Trước đó, Pháp chỉ tham gia các chiến dịch ở Iraq và quan ngại rằng, hành động như thế tại Syria có thể tăng cường sức mạnh cho Tổng thống Bashar al-Assad. Song, đầu tháng 9 này, do lo ngại về cuộc khủng hoảng tị nạn ở Syria, Pháp bắt đầu thay đổi quan điểm bằng việc điều các máy bay do thám đến không phận Damascus để thu thập thông tin về những vị trí của IS.

Giới phân tích cho rằng, điều này thay đổi hướng đi trong cuộc chiến chống IS. Mặc dù Pháp cũng kêu gọi “một giải pháp toàn cầu” đối với cuộc khủng hoảng Syria và nói rằng, Paris ủng hộ sáng kiến của đặc sứ LHQ Staffan de Mistura thúc đẩy chuyển giao quyền lực ở quốc gia Trung Đông này nhưng sự thay đổi lớn nhất là Điện Elysée đã chấp nhận xem việc gạt bỏ ông Assad không còn ưu tiên nữa. Paris cũng gọi hành động của mình tại Syria là một phần trong chiến dịch của liên minh quốc tế.

Trong lúc đó, Nga và Iran vẫn ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống Assad. Thực tế, chiến dịch không kích của Pháp ở Syria được tiến hành khi có các dấu hiệu cho thấy Nga đang xây dựng căn cứ không quân ở quốc gia Trung Đông này nhằm ủng hộ đồng minh Assad. Nhiều bước đi ngoại giao được thực hiện trong khuôn khổ cuộc họp tại LHQ lần này.

Trong đó, Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã gặp gỡ để bàn thảo việc cần thiết phải kết thúc cuộc chiến ở Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng gặp ông Zarif vào ngày 26-9 và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 28-9.

Mỹ muốn Nga tham gia chống IS. Mátxcơva cũng tuyên bố chống nhóm chiến binh Hồi giáo này nhưng muốn bảo vệ Tổng thống Assad. Theo AFP, sự can thiệp của Nga đối với vấn đề Syria diễn ra trong lúc chính sách của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Syria đang có ít nhiều lộn xộn. Dư luận quốc tế đang quan tâm cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa ông Obama và ông Putin. Phía Nga khẳng định: Nội dung chính để nghị sự là vấn đề Syria.

VĨNH AN

.