Quốc tế

Khủng hoảng nhập cư: Châu Âu khó tìm giải pháp lâu dài

07:32, 24/09/2015 (GMT+7)

Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 23-9 để tìm giải pháp lâu dài cho một cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có, một thách thức lịch sử mà Chủ tịch EU Donald Tusk gọi đây là “thất bại thảm hại” của khối.

Những người tị nạn chờ đợi được tiếp nhận tại Opatovac, Croatia, ngày 23-9.    Ảnh: AP
Những người tị nạn chờ đợi được tiếp nhận tại Opatovac, Croatia, ngày 23-9. Ảnh: AP

Châu Âu đang chia rẽ sâu sắc và sự chia rẽ này được thể hiện rõ xung quanh “hạn ngạch bắt buộc” phân bổ 120.000 người nhập cư, tị nạn đều khắp các nước thành viên EU. Mặc dù các bộ trưởng nội vụ EU ngày 22-9 đã thống nhất chia sẻ 120.000 người tị nạn để giảm gánh nặng cho các nước “đầu tuyến” như Hy Lạp, Hungary và Ý, nhưng 4 nước Trung và Đông Âu: Cộng hòa Czech, Hungary, Romania và Slovakia đều bỏ phiếu chống, trong khi Phần Lan vắng mặt.

Hãng AP cho biết, quyết định của các bộ trưởng nội vụ bị chỉ trích rằng, châu Âu đã thông qua nghị quyết dựa trên đa số phiếu, thay vì sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên. Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka gọi đây là “một quyết định kém”.

Ông khẳng định sẽ tiếp tục phản đối hạn ngạch nhưng nhà lãnh đạo này không muốn đẩy căng thẳng leo thang với các đối tác trong EU bằng việc tranh chấp pháp lý. Trong khi đó, người đồng cấp Slovakia Robert Fico hàm ý, chính phủ của ông sẽ không thi hành “hạn ngạch bắt buộc”.

Phát biểu trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Thủ tướng Fico nói với báo giới rằng, nước ông sẽ đi theo 2 hướng: đệ đơn ra tòa ở Luxembourg để phản đối hạn ngạch; không thực thi quyết định của các bộ trưởng nội vụ. Trước đó, ông Fico khăng khăng: “Hạn ngạch bắt buộc” sẽ không được áp đặt đối với Slovakia khi nào ông còn tại nhiệm.

Theo các nhà quan sát, việc tìm biện pháp lâu dài đối với vấn đề người nhập cư, tị nạn được trông đợi vào Hội nghị thượng đỉnh lần này. Reuters cho biết, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande đều cho rằng, giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria sẽ là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.

Chủ tịch EU Donald Tusk cũng muốn bàn thảo các nỗ lực ngoại giao để kết thúc cuộc xung đột ở Syria. “Có hàng loạt vấn đề mà chúng ta có thể đổ lỗi cho người khác, nhưng điều này sẽ không giúp chúng ta tìm ra giải pháp chung”, ông Tusk viết trong một bức thư gửi các tổng thống và thủ tướng các nước EU.

Song, chính vị Chủ tịch EU thừa nhận cuộc khủng hoảng đang đặt ra nhiều vấn đề cơ bản đối với tương lai của toàn châu lục và không dễ gì có giải pháp chung. Theo ông, cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất của EU kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay là phép thử về “lòng nhân đạo và trách nhiệm” của lục địa già cỗi; đồng thời ông kêu gọi “sự tiếp cận toàn diện cho cuộc khủng hoảng”.

Tại Brussels, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans nhấn mạnh: “Đã đến lúc các quốc gia thành viên phải “xắn tay áo” và làm điều mà họ cần làm. Một hệ thống tị nạn chung chỉ có thể hoạt động khi tất cả các quốc gia tôn trọng quy tắc”. Ông Timmermans muốn nhắc đến hệ thống quy tắc của châu Âu quy định về việc xử trí vấn đề tị nạn. Hệ thống này đã được hoàn tất hồi tháng 7 vừa qua nhưng dòng người tị nạn ùn ùn kéo đến châu Âu làm hệ thống mất tác dụng.

Hiện EC muốn các nước đóng góp để hỗ trợ người tị nạn Syria đang lánh nạn ở khắp khu vực, bao gồm Jordan và Lebanon. Theo một quan chức của EC, nếu có sự cam kết của các nước thành viên thì quỹ hỗ trợ này có thể đạt đến 1 tỷ euro.

PHÚC NGUYÊN

.