Quốc tế
Trung Quốc không dừng cải tạo đất trên Đá Subi và Đá Vành Khăn
ĐNĐT - Ngày 15-9, các chuyên gia Mỹ trích dẫn các bức ảnh vệ tinh gần đầy để nói rằng, Trung Quốc đang tiếp tục việc cải tạo đất trên Biển Đông, hơn 4 tuần sau khi nước này tuyên bố họ đã dừng hoạt động này.
Ngày 14-9, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) đã công bố ảnh chụp vệ tinh việc Trung Quốc tiếp tục cải tạo đất trái phép tại Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Bằng chứng của việc tiếp tục cải tạo đất trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể làm phức tạp thêm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào tuần tới khi mà sự lo ngại của Mỹ đối với việc Trung Quốc cương quyết tìm cách tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông được dự báo sẽ là một lịch trình ưu tiên trong cuộc gặp gỡ này.
Theo chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Viện Chiến lược và nghiên cứu quốc tế tại Washington, các bức ảnh chụp vào đầu tháng 9 cho thấy, hoạt động cải tạo đất vẫn tiếp tục ở cả Đá Subi và Đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tại Đá Subi, có thể thấy việc bơm cát vào một khu vực được bao quanh bởi một con đê biển mới xây và người ta đang nới rộng kênh cho các tàu đi vào vùng biển mà đá này bao bọc.
Trên Đá Vành Khăn, một tàu nạo vét đang mở rộng một con kênh để cho tàu vào ra một cách dễ dàng và có thể được dùng cho một căn cứ hải quân, bà Glaser cho biết.
Trước đó, hôm 5-8, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị tuyên bố rằng, Trung Quốc đã dừng việc cải tạo đất trên biển. Tuy nhiên, phát biểu vào ngày 15-9, ông Vương đã không nói tới việc cải tạo đất đã chấm dứt hay chưa mà chỉ nói rằng các công việc xây dựng “cần thiết” là nhằm cải thiện môi trường trên các hòn đảo.
Trong khi đó, bà Glasier lại cho rằng hoạt động của Trung Quốc tỏ ra tập trung vào việc xây dựng cho mục đích quân sự. Còn ông Vương ngang ngược tuyên bố rằng, Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) là lãnh thổ Trung Quốc.
Các bức ảnh về Đá Chữ thập cho thấy một đường băng đã hoàn thiện dài 3.000 mét, các bãi đỗ trực thăng và một mái vòm radar, tháp quan sát và có thể là các thiết bị thông tin vệ tinh.
Theo các chuyên gia, một đường băng dài 3.000 mét có thể đáp ứng được hầu hết các máy bay quân sự của Trung Quốc. Ngoài ra, bà Glaser cũng cho rằng, việc Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng các đường băng trên Đá Subi và Đá Vành Khăn đang đặt ra các câu hỏi liệu nó có thách thức tự do đi lại trên khu vực không phận và vùng biển này trong tương lai.
“Trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ, Bắc Kinh dường như gửi một thông điệp tới Tổng thống Barack Obama rằng, Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy các lợi ích của mình trên Biển Đông ngay cả khi việc này dẫn tới căng thẳng gia tăng với Mỹ”, bà Glaser nhận định.
Quang Hiển (Theo Reuters)