Quốc tế
Nga đi "nước cờ thần tốc"
Việc Nga tiến hành không kích nhằm vào các chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Syria, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), là “nước cờ thần tốc” của Tổng thống Vladimir Putin.
Các cuộc không kích của Nga đã nhằm vào khu vực Idlib, tây bắc Syria. Ảnh: Reuters |
Chiến dịch của Nga ở Syria, vốn đặc biệt thu hút sự chú ý của báo giới cũng như dư luận quốc tế trong tuần qua, đã được quyết định rất nhanh - sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại New York, sau cái gật đầu của Thượng viện Nga và theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Giới phân tích nhận định: Đây là bước tiến đáng kể của việc nước ngoài can dự vào cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua ở Syria. Nga tuyên bố chiến dịch sẽ làm suy yếu IS nhưng phương Tây cho rằng, mục đích của Mátxcơva là ủng hộ Tổng thống Assad. Song, dù sao thì chiến dịch của Tổng thống Putin cũng mang thông điệp rất rõ ràng: Nga không cho phép chính phủ của ông Assad sụp đổ.
Mỹ và Nga có lập trường khác nhau trong vấn đề Syria. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York tuần qua là minh chứng rõ nhất về sự khác biệt này. Hai nhà lãnh đạo đã không tìm được tiếng nói chung về tương lai chính trị của Tổng thống Assad. Hơn nữa, trong các cuộc không kích của Nga, Mỹ và phương Tây cho rằng, Mátxcơva nhằm vào những khu vực do các nhóm chống đối chính phủ Damacus kiểm soát hơn là nhằm vào IS. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon dẫn chứng: Chỉ 1/20 cuộc không kích của Nga tại Syria nhằm vào IS.
Song, Điện Kremlin bác bỏ mọi chỉ trích nói trên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Mátxcơva hướng vào các nhóm khủng bố - tương tự mục tiêu của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, bao gồm IS và Al-Nusra Front, một chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, không quân nước này đã tiến hành không kích và phá hủy sở chỉ huy chiến đấu của một nhóm chiến binh Hồi giáo ở Raqa, nơi được xem là thành trì của các nhóm hồi giáo cực đoan tại Syria kể từ năm 2013.
Phát biểu với đài Europe 1 của Pháp, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga, ông Alexei Pushkov, cảnh báo các cuộc không kích của Mátxcơva tại Syria sẽ kéo dài từ 3-4 tháng và mang lại hiệu quả hơn so với hơn 2.500 cuộc không kích mà liên minh quốc tế đã được thực hiện nhưng không gây thiệt hại gì cho IS. Điều đáng nói là chiến dịch của liên minh quốc tế đã diễn ra trong khoảng 1 năm qua và được tiến hành hằng ngày ở Syria nhưng bị cho là thất bại.
Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu từ tháng 3-2011 khi phong trào biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Assad bùng nổ. Lợi dụng tình hình, IS đã chiếm nhiều phần lãnh thổ ở miền bắc và đông Syria. Trong khi đó, lực lượng đối lập với Tổng thống Assad kiểm soát một phần phía nam và tỉnh Idlib, tây bắc Syria. Al-Nusra Front cũng kiểm soát một phần tỉnh Idlib và tuyến đường chính nối từ Latakia tới Idlib. Chính phủ Assad nắm phần lãnh thổ phía tây, bao gồm thủ đô Damascus, tương đương khoảng 35% diện tích Syria.
Các nhà phân tích gọi chiến dịch của Nga là một canh bạc bởi bạo lực ở Syria có thể trở nên nghiêm trọng hơn, mối quan hệ giữa Mátxcơva với Mỹ và phương Tây có thể ảm đạm hơn và sự ủng hộ của công chúng đối với Tổng thống Putin có thể giảm sút. Hơn nữa, quân đội Nga có thể phải lưu lại Syria lâu hơn. Thậm chí, Tổng thống Obama cảnh báo: “Nỗ lực của Nga và Iran chống lưng cho ông Assad, tìm cách mang lại hòa bình cho người dân Syria sẽ chỉ khiến họ sa lầy”.
Dù “nước cờ thần tốc” của Tổng thống Putin mang tính mạo hiểm nhưng cái được cũng có, nhất là trong lúc bối cảnh kinh tế của Nga gặp khó khăn do sự trừng phạt của phương Tây và giá dầu lao dốc. Theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), đây là cách để Mátxcơva củng cố vị thế quân sự và ngoại giao ở phía đông Địa Trung Hải. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, châu Âu không thể duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong lúc đề nghị Mátxcơva hỗ trợ về vấn đề Syria. “Chúng ta phải thay đổi quan hệ với Nga”, ông Gabriel nói.
VĨNH AN