Quốc tế

Cả thế giới đang theo dõi Trung Quốc hành xử ở Biển Đông

19:17, 22/11/2015 (GMT+7)

Ngày 22-11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố "cả thế giới đang theo dõi" xem liệu Trung Quốc có hành xử như một cường quốc có trách nhiệm trong tranh chấp lãnh hải hay không.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 27 diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 21-11. Ảnh: AP
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 27 diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 21-11. Ảnh: AP

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á ở Kuala Lumpur, ông Aquino nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ giữ lời và tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Cả thế giới đang theo dõi và cũng kỳ vọng không kém từ một quốc gia hàng đầu có trách nhiệm trên thế giới".

Philippines là nước lớn tiếng nhất trong việc thách thức Trung Quốc. Theo Tổng thống Aquino, hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tiến hành là "hoàn toàn không đếm xỉa tới luật pháp quốc tế" và Bắc Kinh đã hung hăng "tới mức mà chúng tôi nay đã không còn được phép đi vào những khu vực nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình".

Ông Aquino nhấn mạnh cần sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để giải quyết tranh chấp này.

Nhật Bản ủng hộ tàu chiến Mỹ di chuyển trên Biển Đông

Cũng trong ngày 22-11, Nhật Bản đã tuyên bố ủng hộ các tàu chiến Mỹ di chuyển gần lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông, song khẳng định Tokyo không có kế hoạch triển khai lực lượng tới hỗ trợ hoạt động này.

Phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Julie Bishop tại Sydney, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói: "Chúng tôi luôn chủ động đóng góp vào sự ổn định trong khu vực, song theo tôi biết thì hiện Nhật Bản không có kế hoạch trở thành một phần của hoạt động tự do đi lại của Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật (ở Manila), tôi tin rằng Thủ tướng Abe đã bày tỏ lập trường này với Tổng thống Obama". 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Fumio Kishida nói: "Cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp với nhau để giải quyết tình hình. Đối với Mỹ, việc họ tiến hành các hoạt động nhằm đảm bảo tự do đi lại là dựa trên luật pháp quốc tế... Nhật Bản ủng hộ Mỹ về mặt này".

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc đối thoại ở Sydney, Nhật Bản và Australia đã kêu gọi "tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ngừng những hoạt động bồi lấn đất đai và xây dựng quy mô lớn cũng như việc sử dụng vì các mục đích quân sự" trên Biển Đông, đồng thời hối thúc các bên "kiềm chế, có những bước đi xoa dịu căng thẳng và tránh các hành động khiêu khích có thể làm leo thang tình hình".

Theo Tin tức

.