Quốc tế
Châu Âu muốn Thổ Nhĩ Kỳ ngăn dòng người nhập cư
Ngày 29-11, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó sẽ hỗ trợ Ankara về tài chính và chính trị, đổi lại nước này phải ngăn chặn dòng người nhập cư. Song, Hội nghị thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ở Brussels (Bỉ) bàn về vấn đề nhập cư được cho là không dễ dàng, nhất là sau khi Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga.
Những người tị nạn từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos của Hy Lạp. Ảnh: AP |
Hãng Reuters cho biết, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gặp gỡ các nhà lãnh đạo 28 quốc gia EU trong 3 tiếng đồng hồ, từ 16 giờ ngày 29-11 (giờ địa phương), trong lúc châu Âu đang chịu áp lực về cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.
Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ chính để những người di cư và tị nạn đến châu Âu. Từ đầu năm đến nay, hơn 700.000 người di cư đã đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Châu Âu muốn giải ngân 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD) để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện đời sống của 2,2 triệu người Syria đang sống tại Thổ để những người này không lên tàu đến các đảo của Hy Lạp gần đó.
Châu Âu cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cam kết không bỏ ngỏ biên giới với EU. Nếu thực hiện đầy đủ cam kết ngăn dòng người nhập cư trong năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đẩy nhanh quá trình miễn thị thực cho công dân nước này khi du lịch châu Âu.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng, nước này cần thêm tiền và 3 tỷ euro hỗ trợ người tị nạn trong 2 năm tới dường như không đủ. Theo Reuters, Ankara muốn nhân cuộc “mặc cả” này để xích lại gần châu Âu, khôi phục quá trình gia nhập EU.
Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó đã đồng ý thúc đẩy việc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, nới lỏng điều kiện cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ vào châu Âu, để đổi lấy cam kết của Ankara trong việc ngăn dòng người nhập cư. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk từng khẳng định: “Chúng ta phải cố gắng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ vì chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác”.
PHÚC NGUYÊN