Quốc tế

Hàn Quốc và Triều Tiên hội đàm vào ngày 26-11

12:27, 20/11/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Ngày 20-11, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Seoul đã chấp nhận lời đề nghị từ Triều Tiên là tổ chức một cuộc họp chuẩn bị cho các cuộc hội đàm cấp chính phủ vào thứ Năm tuần sau (26-11).

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong sáng 20-11, Ủy ban Hòa bình Thống nhất Triều Tiên đã gửi đến một thông điệp đề nghị Hàn Quốc hội đàm tại Tongilgak ở phía bắc của làng đình chiến Panmunjom.

“Hai bên dự định thảo luận các chi tiết cho các cuộc hội đàm cấp cao, trong đó có thời gian, địa điểm”, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫy tay chào tại buổi lễ duyệt binh hôm 10-10-2015. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫy tay chào tại buổi lễ duyệt binh hôm 10-10-2015. Ảnh: AP

Nếu được tổ chức, cuộc hội đàm lần này sẽ là lần đầu tiên ở cấp chính phủ và sẽ tập trung vào việc làm giảm căng thẳng kể từ khi hai phía đồng ý cải thiện quan hệ sau một vụ đụng độ hồi tháng 8. 

Trong vụ đó, 2 binh sĩ Hàn Quốc đã vấp phải mìn và bị thương khi tuần tra dọc theo đường biên giới chung tại khu phi quân sự (DMZ). Vụ này được Seoul cáo buộc là sự chủ ý của phía Triều Tiên. 

Đáp trả vụ nổ mìn trên, Seoul đã cho phát hệ thống loa tuyên truyền dọc theo biên giới. Tiếp đến, hai bên đã nã pháo về phía nhau dẫn đến tình trạng báo động chiến tranh cao nhất ở cả hai miền. 

Căng thẳng đã giảm khi Seoul tắt hệ thống loa tuyên truyền dọc theo biên giới Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tỏ ý lấy làm tiếc về vụ nổ mìn làm bị thương 2 binh sĩ Hàn Quốc. 

Trong khi đó, Tổng thống Park Geun-hye từng nói rằng, bà để ngỏ việc gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jon-un nếu Triều Tiên chứng tỏ thiện chí trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và tạo lập các quan hệ tốt hơn với phía Nam. 

Hiện vẫn chưa có bình luận nào từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc về lời đề nghị hội đàm của phía Triều Tiên. 

Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, hai phía mới chỉ ký hiệp ước đình chiến mà không phải là một hiệp ước hòa bình. 

Lời đề nghị của Bình Nhưỡng xuất hiện giữa lúc có sự dịch chuyển ngoại giao ở Đông Bắc Á làm cho Triều Tiên cảm thấy cô lập hơn bao giờ hết; ngược lại Seoul đang nhích lại gần hơn với Trung Quốc - đồng minh kinh tế và ngoại giao chính của Triều Tiên. Ngoài ra, Seoul cũng đang dần cải thiện quan hệ với Tokyo. 

Quang Hiển (theo AFP)

.