Quốc tế
Pháp truy lùng thủ phạm tấn công Paris
Cuộc đấu súng dữ dội đã diễn ra ở khu Saint-Denis, ngoại ô thủ đô Paris (Pháp) vào sáng 18-11 nhằm truy lùng và tiêu diệt Abdelhamid Abaaoud, nghi phạm chính trong vụ khủng bố Paris. Các đối tượng khác là Salah Abdeslam và một tên được gọi là nghi phạm thứ 9.
Cảnh sát Pháp vây ráp các đối tượng tình nghi ở trung tâm Saint-Denis, ngoại ô Paris. Ảnh: AFP |
Chiến dịch truy quét của Pháp bắt đầu từ 4 giờ 30 ngày 18-11 với những tiếng súng dữ dội vang lên khiến vùng Saint-Denis tỉnh giấc. Song, cảnh sát địa phương yêu cầu người dân bình tĩnh và không ra khỏi nhà, một số người được sơ tán. Giao thông công cộng ngừng hoạt động và các trường học ở trung tâm Saint-Denis đóng cửa. Saint-Denis nằm ở phía bắc Paris, là nơi đặt sân vận động quốc gia Stade de France - một trong các mục tiêu mà khủng bố nhắm đến hôm 13-11. Hiện nay, Saint-Denis có dân số đa sắc tộc, thường xảy ra căng thẳng giữa cảnh sát và thanh niên bạo lực.
Trong vụ đọ súng giữa lực lượng đặc nhiệm với các nghi can khủng bố, cảnh sát xác nhận có 3 người chết và 7 người bị bắt giữ. Trong số những người chết, ngoài một phụ nữ đánh bom tự sát, còn có một người qua đường và một nghi phạm bị cảnh sát tiêu diệt bằng súng bắn tỉa. Ngoài ra, 3 nghi phạm cố thủ trong ngôi nhà ở Saint-Denis được cho là có Abdelhamid Abaaoud - chiến binh Hồi giáo người Bỉ và Salah Abdeslam - nghi phạm thứ 8 đang chạy trốn lệnh truy nã. Một kẻ khác cố thủ cùng Abaaoud và Abdeslam có thể là kẻ tấn công thứ 9 mới được phát hiện qua video an ninh ở khu vực xảy ra vụ khủng bố ngày 13-11.
Reuters cho biết, các công tố viên Pháp xác định 7 tay súng đã chết trong vụ tấn công Paris vào đêm 13-11. Nay các nhà chức trách cho rằng, có 2 tên liên quan trực tiếp đã trốn thoát. Giới chức Bỉ đang thẩm vấn 2 nghi can khác là Mohammed Amri (27 tuổi) - người lái xe chở Abdeslam từ Paris về Brussels, và Hamza Attouh (21 tuổi). Tất cả 129 nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công ở Paris đều đã được nhận dạng.
Cũng trong ngày 18-11, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ gia tăng tình trạng khẩn cấp quốc gia lên 3 tháng. Các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu về đề xuất này trong ngày 19 và 20-11. Theo AFP, bước đột phá trong lúc này chính là cái “bắt tay” của Pháp và Nga để cùng chống IS.
Trong ngày thứ ba của chiến dịch không kích tại Raqqa, miền bắc Syria, Pháp và Nga đã tiêu diệt ít nhất 33 phần tử thánh chiến, đồng thời làm bị thương hàng chục tay súng IS. Cả Pháp lẫn Nga đều cam kết trả thù cho các vụ tấn công ở Paris và vụ đánh bom máy bay ở bán đảo Sinai của Ai Cập, mà thủ phạm là IS.
“Cần thiết phải lập mối liên hệ trực tiếp với Pháp và phối hợp với họ như các đồng minh”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói như vậy khi Paris công bố đưa tàu sân bay Charles de Gaulle đến phía đông Địa Trung Hải. Ông chủ Điện Kremlin cũng ra lệnh cho tàu tuần dương tên lửa đang ở Địa Trung Hải bắt đầu phối hợp với Pháp trong các hoạt động ở Syria.
Các nhà phân tích cho rằng, những vụ tấn công vừa xảy ra thúc đẩy quyết tâm của quốc tế trong việc tiêu diệt nhóm thánh chiến, kết thúc cuộc nội chiến ở Syria kéo dài hơn 4 năm qua; và một điều quan trọng là có thể khôi phục quan hệ giữa Pháp và Nga, vốn sụp đổ kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm ngoái. Tổng thống Hollande sẽ có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin tại Mátxcơva vào ngày 26-11 tới để bàn thảo về việc phối hợp quân sự. Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai, 2 cường quốc đối địch ở châu Âu bắt tay nhau như những đồng minh để chống kẻ thù chung.
Hãng AFP cũng cho hay, tại thủ đô Manila (Philippines) ngày 18-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán nhằm kết thúc khủng hoảng ở Syria và đề nghị mối quan hệ tốt hơn nếu Mátxcơva tập trung chống IS. Đây là những dấu hiệu về việc Nga và Phương Tây đang xích lại gần nhau hơn. Hơn nữa, Nga đang được Mỹ và phương Tây nhìn nhận là đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống IS cũng như trong vấn đề Syria.
Ngày 18-11, Tổng thống Vladimir Putin thành lập một ủy ban chống tài trợ cho khủng bố và đây là một dấu hiệu nữa cho thấy nhà lãnh đạo Nga tập trung cao độ cho những gì mà ông nói là cuộc chiến chống các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong một sắc lệnh có hiệu lực ngay lập tức, Tổng thống Putin yêu cầu các văn phòng tổng công tố viên, ngân hàng trung ương và chính quyền địa phương cung cấp mọi thông tin có thể có liên hệ với những hoạt động khủng bố. Trong lúc đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu khẳng định Ankara đã có kế hoạch tham gia với Mỹ để chấm dứt sự hiện diện của IS ở dọc biên giới của nước này với Syria. |
PHÚC NGUYÊN